Phát biểu của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương kết luận Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc.
Kính thưa các đồng chí và đồng nghiệp!
Với tinh thần trách nhiệm cao, sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 đã hoàn thành chương trình đề ra. Hội nghị chúng ta đã được đồng chí Lê Hồng Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự, phát biểu chỉ đạo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với Hội nghị và đội ngũ những người làm báo cả nước.
Tôi đồng tình với nội dung đánh giá công tác báo chí năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 trong Báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam; đánh giá cao nội dung tham luận của đại biểu các bộ, ban, ngành, các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Có thể khẳng định, những vấn đề chúng ta đề cập, nêu ra đều rất tập trung; việc phân tích, thảo luận rất nghiêm túc, thẳng thắn; những kinh nghiệm thu được đều thiết thực, bổ ích.
Thưa các đồng chí !
Chúng ta đều biết, bối cảnh năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 rất phức tạp. Trên bình diện quốc tế: kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn sau suy thoái năm 2008. Tiếp đó là khủng hoảng nợ công ở Tây Âu; biến động chính trị - xã hội ở Bắc Phi - Trung Đông; những căng thẳng trên biển Đông liên quan chủ quyền, lãnh thổ nhiều quốc gia…
Trong nước: lạm phát tăng cao, giá cả diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp, một số lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn; đời sống một bộ phận nhân dân lao động, nhất là đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, đô thị còn nhiều vất vả; việc chỉ đạo, quản lý, điều hành còn có những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa được ngăn chặn đẩy lùi; một số vụ việc bức xúc chưa được giải quyết dứt điểm, tác động đến tư tưởng, tâm trạng xã hội...
Trong bối cảnh đó, phần lớn các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, như Hội nghị đã khẳng định:
- Báo chí đã thông tin tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước: Đại hội XI của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; quán triệt và đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực công tác; các sự kiện lớn: Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước; 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển; phong trào vì chủ quyền biển, đảo thân yêu, hỗ trợ ngư dân bám biển; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình Xây dựng nông thôn mới…
- Báo chí đã chủ động, sáng tạo, tuyên truyền có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 59 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Kết luận Hội nghị Trung ương 3 về cơ cấu lại nền kinh tế, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm (2011-2015).
- Báo chí đã góp phần vào thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng; tuyên truyền khẳng định, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, bảo vệ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng, phát triển đất nước.
- Nhiều cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động hơn trong đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch.
Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế đất nước, phần lớn các cơ quan báo chí đã chủ động khắc phục khó khăn, tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng đội ngũ, điều kiện, phương tiện làm việc; tiếp tục triển khai, tổ chức, nuôi dưỡng nhiều hoạt động xã hội, từ thiện giàu ý nghĩa.
Tôi đề nghị chúng ta hoan nghênh và chúc mừng những nỗ lực của các cơ quan báo chí, của giới báo chí nước ta trong năm qua.
Bên cạnh ưu điểm, thành tích cơ bản nêu trên, qua các bản báo cáo, tham luận, trao đổi, đặc biệt là bài phát biểu của đồng chí Lê Hồng Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Hội nghị chúng ta cũng nghiêm khắc nhận rõ những hạn chế, thiếu sót sau đây:
- Một số cơ quan và cán bộ báo chí chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí trước xã hội và trước sự nghiệp đổi mới của đất nước; nhận thức, sự nhạy bén chính trị còn hạn chế, bất cập; chưa coi trọng việc phát hiện, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ chính; thiếu nhạy bén trong xử lý thông tin, nhất là những thông tin quan trọng, phức tạp liên quan đối ngoại, biển đảo, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng luật pháp và sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Thậm chí, có trường hợp một số cơ quan báo chí bị lôi cuốn làm nóng một số vụ việc, vấn đề, gây trở ngại cho việc xử lý, giải quyết, ổn định tình hình xã hội.
- Xu hướng “thương mại hoá” hoạt động báo chí, hạ thấp chất lượng chính trị, văn hoá, khoa học, nghiệp vụ chưa được đẩy lùi. Thậm chí, ở một số cơ quan báo chí điện tử, báo in, chuyên san, phụ san xu hướng này có lúc nghiêm trọng khiến xã hội lo ngại, công chúng bức xúc. Biểu hiện rõ nhất là việc khai thác thiếu chọn lọc, xô bồ các sự việc, vấn đề, nội dung giật gân, câu khách như chuyện “khoe hàng”, “lộ hàng”, các vụ án ly kỳ, rùng rợn… nhằm chiều theo thị hiếu thiếu lành mạnh của một bộ phận công chúng hạn chế, lệch lạc về thẩm mỹ, lối sống.
- Một số cơ quan và một số nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm đạo đức người làm báo, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
- Một số đài truyền hình, chạy theo xu hướng mở thêm nhiều kênh sóng, trong khi năng lực sản xuất có hạn, dẫn đến lệ thuộc các đối tác nước ngoài; phát chiếu quá nhiều chương trình nước ngoài, trong đó có nhiều chương trình, không phù hợp tâm lý, lối sống, thẩm mỹ của dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng, nhất là giới trẻ.
Về nguyên nhân, Hội nghị đã phân tích khá đầy đủ và sâu sắc; khẳng định: cả ưu điểm, thành tích và hạn chế thiếu sót đều liên quan nhân tố con người - tức đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Giải pháp cũng được bàn kỹ với sự thống nhất rất cao rằng: điều quan trọng, có tính quyết định để làm chuyển biến tình hình là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí. Cần thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Phải làm đều, làm thường xuyên, gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động tránh các sai sót đáng tiếc. Để làm được điều này, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ một số va vấp trong thời gian qua.
Như Báo cáo đã xác định và đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã chỉ đạo, năm 2012, cùng với tuyên truyền nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng khác, báo chí cần tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các kết luận và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương - trong đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt - vào cuộc sống, gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác đối ngoại, an ninh - quốc phòng; xây dựng luật, trong đó công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp… là rất quan trọng.
Khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu chất lượng rất cao. Cùng những thuận lợi khá cơ bản, nhiệm vụ nặng nề trên triển khai trong bối cảnh, điều kiện nhiều khó khăn, thách thức. Tôi đề nghị các cơ quan báo chí chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, như trên đã phân tích, công tác thông tin, tuyên truyền luôn được khẳng định như một giải pháp trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, nhất là NQ TW4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ. Do vậy, báo chí phải tiếp tục bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần chủ động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, sáng tạo bằng những hình thức hấp dẫn, sinh động, thuyết phục.
Giải pháp để làm tốt nhiệm vụ này như đã nêu ở phần trên là tập trung sức nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo từ Tổng Biên tập, Giám đốc, Ban Biên tập, Ban lãnh đạo các cơ quan báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về nhận thức, bản lĩnh, sự nhạy bén về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, bám sát thực tiễn của đất nước, phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn và tiêu cực xã hội. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Giám sát, phản biện là cần thiết, nhằm góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, phản biện, góp ý phải có lý, có tình, cân nhắc liều lượng, mức độ, thời điểm; đặc biệt, góp ý, phản biện phải xuất phát từ động cơ lành mạnh, khách quan, công bằng, với thái độ ứng xử văn hóa và tinh thần xây dựng. Mọi sự quy kết, áp đặt, cường điệu, “làm nóng” vấn đề không những không có tác dụng tích cực mà còn có thể tạo nên những bức xúc xã hội không đáng có.
Thứ ba, cần kiên quyết khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa”. Đây là thiếu sót, khuyết điểm đã kéo dài từ nhiều năm. Cơ quan chỉ đạo, quản lý đã nhiều lần lưu ý, phân tích, chỉ ra các biểu hiện, mức độ, hậu quả. Nguyên nhân chủ yếu của khuyết điểm này là ở chỗ báo chí bị chi phối bởi lợi nhuận.
Rõ ràng, vấn đề tài chính hiện đang là sự quan tâm, đồng thời là khó khăn của nhiều cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cần thấy rằng, báo chí cách mạng không thể thu lợi từ những nội dung phi văn hóa, thiếu lương thiện. Báo chí cách mạng là một bộ phận của công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, không thể thoát ly chức năng cao quý là góp phần chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục con người, nhất là thế hệ trẻ; không thể vì lợi ích cục bộ của một vài cơ quan báo chí mà coi nhẹ ý nghĩa chính trị, giá trị thẩm mỹ, văn hóa, làm phương hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Điều này, chính một số cơ quan báo chí cũng đã đề cập, lên tiếng, cảnh báo.
Thứ tư, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí, trong đó, cần đặc biệt coi trọng, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan chủ quản. Những năm gần đây, chúng ta đã thực hiện định kỳ, có chất lượng giao ban báo chí định kỳ, giao ban các cơ quan chủ quản báo chí.
Ngoài ra, căn cứ yêu cầu, Ban, Bộ, Hội cũng tổ chức một số cuộc họp đột xuất với các cơ quan chủ quản để xử lý các vấn đề cụ thể. Thông qua đó, chúng ta chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin; thống nhất nhận thức, hướng xử lý; cách thức chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền các nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng đảm bảo đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí; từ đó có quyết tâm cao và tự giác hơn trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần tính đến việc xây dựng văn bản quy định phương thức chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo với cơ quan chủ quản trong chỉ đạo báo chí theo hướng các cơ quan chủ quản phải thật sự đề cao vai trò của mình với hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách.
Thứ năm, tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí. Trong nhiều trường hợp, công tác định hướng đi sau thông tin báo chí. Nguyên nhân quan trọng là các bộ, ban, ngành còn chưa chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng như cho báo chí. Vì lẽ đó, cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí thiếu cơ sở để định hướng; báo chí thiếu nguồn tin chính thống để thông tin, phải phụ thuộc vào các nguồn tin tự khai thác nên nhiều khi không đảm bảo tính chuẩn xác.
Bên cạnh đó, Quy chế người phát ngôn đã được Chính phủ quy định chưa được thực hiện tốt. Trong thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần đề nghị, yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm, chú ý hơn đến các nội dung, vấn đề nêu trên để phục vụ tốt hơn hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí.
Thứ sáu, các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí. Để đảm bảo tính khoa học, công việc này cần được triển khai trên tinh thần nhận thức rõ tính chất đặc thù của công tác báo chí cũng như hoạt động tác nghiệp của nhà báo; phân biệt rõ đặc điểm từng loại hình báo chí, cơ quan báo chí… gắn với quy hoạch, sắp xếp hệ thống báo chí theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Nếu triển khai tốt, việc làm này sẽ giúp cho chúng ta tránh được lãng phí nguồn lực, quản lý chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển một cách bền vững, thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí.
Thứ bảy, mấy năm gần đây, báo điện tử trên mạng internet có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống báo chí và xã hội. Tuy nhiên, báo chí điện tử cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót về nội dung thông tin. Để giải quyết những tồn tại, yếu kém của loại hình báo chí điện tử, cần có những hội nghị chuyên sâu, song tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí điện tử chủ động quan tâm hơn nữa tới quá trình tác nghiệp của phóng viên, quy trình biên tập xuất bản báo của các tòa soạn để khắc phục một cách cơ bản sai sót, khuyết điểm trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí!
Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tôi xin cảm ơn tới đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị; cảm ơn Ban Tổ chức Hội nghị và đặc biệt cảm ơn tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc của các đồng chí đại biểu.
Mong rằng, sau Hội nghị, với quyết tâm và trách nhiệm chính trị của những người làm báo, chúng ta sẽ thực hiện thật tốt các nhiệm vụ đã được Hội nghị nghiên cứu, thảo luận và thống nhất. Đặc biệt là triển khai thực hiện nhiệm vụ của báo chí được nêu trong Nghị quyết TƯ 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị. Vừa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vừa đi đầu, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong từng cơ quan báo chí, cơ quan chỉ đạo, quản lý và chủ quản báo chí; góp phần giải quyết ba vấn đề cấp bách mà Hội nghị TW4 đã chỉ ra.
Hội nghị của chúng ta được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh. Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, tôi xin cảm ơn Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, các cơ quan, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh về sự quan tâm, giúp đỡ đó.
Thay mặt các cơ quan đồng tổ chức Hội nghị, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị.
Xin chúc các đồng chí đại biểu và các đồng nghiệp báo chí cả nước sức khỏe, hạnh phúc, đạt được nhiều thành công mới trong nghề nghiệp nhọc nhằn và cao quý của mình.
Xin trân trọng cảm ơn!./.