Người dân cồn Dơi lo đê bao bị vỡ

08/11/2019 - 07:58

BDK.VN - Cồn Dơi xã Phú Đức, huyện Châu Thành có diện tích trên 230ha. Đây là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân thuộc 2 ấp Phú Ninh và Phú Hội. Đê bao cồn Dơi dài hơn 5km, được thi công đã lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều chỗ sạt lở sâu và gây thiệt hại cho nhiều người dân.

Sạt lở tiếp tục xảy ra tại cồn Dơi.

Phập phồng lo đê bao bị vỡ

Theo hướng dẫn của anh Nguyễn Minh Trung - Dân quân thường trực xã Phú Đức, chúng tôi đến cồn Dơi. Dọc theo đê bao, có nhiều chỗ bị sạt lở sâu. Cây trồng và đất đê bị sụp lún trôi xuống lòng sông Tiền.

Tại Tổ nhân dân tự quản số 9B, ấp Phú Ninh, có nhiều bụi tre, gốc dừa đã bị cuốn trôi theo dòng nước.

Trước đây, tình trạng khai thác cát sông trái phép trên sông Tiền (khu vực ấp Phú Ninh) xảy ra nhiều. Ngày cũng như đêm, người dân địa phương đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng xã, huyện, tỉnh ngăn chặn trộm cát và bảo vệ đất cồn.

Đến nay, tình trạng hút trộm cát sông đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, hậu quả của khai thác cát trái phép để lại rất lớn và đã gây ra sạt lở nhiều, cùng với triều cường dâng cao đã làm cho nhiều khúc đê bị hư hỏng nặng. 

Theo người dân địa phương, con nước rằm tháng 9 vừa qua, sạt lở làm cho nhiều chỗ đất bị sụp lún sâu hơn 2m. Trong đó, đoạn đê bao bị sạt lở nghiêm trọng nhất tại ấp Phú Ninh (dài trên 400m) đã khiến cho nhiều người bị thiệt hại về tài sản.

Anh Hai Ân (người dân Tổ nhân dân tự quản số 9B) chỉ cho tôi xem đống tạp nhạp (cột, cây, tôn, thiếc, gạch vụn) còn nằm ngổn ngang: “Vợ chồng tôi xây được căn nhà sàn, làm nghề đặt đú, lưới cá trên sông kiếm sống. Sạt lở ngày càng sâu vào đất liền, chưa được 10 năm thì đứt căn nhà sàn. Mẹ vợ tôi đã cho khoảnh đất khác để cất nhà. Vậy mà, không biết đã ổn hay chưa nữa, vì sạt lở vẫn còn xảy ra và đê bao có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào”.

Anh Hai Ân (dân cồn Dơi) bị thiệt hại nhà do sạt lở. 

Cùng xóm với anh Ân, bà Tư Bùi, ông Hai Hòn, ông Thơm, ông Ngân… cũng bị thiệt hại. Những người này còn may mắn hơn anh, tuy họ không bị thiệt hại về nhà nhưng đất và cây trồng cũng đã bị sụp lún trôi đi mất.

Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 9B, ấp Phú Ninh Trần Văn Mười Ba cho hay: “Trước đây, mặt đê bao này rộng hơn 5m. Nay sạt lở đã khiến cho nhiều chỗ bị đứt còn không được 1m, thậm chí có chỗ không thể đi được. Do vậy, đã gây nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của bà con. Nếu đê bao này không được sửa chữa kịp thời thì chắc chắn sẽ bị vỡ”.

Gặp khó trong gia cố, sửa chữa

Năm 2018, trước tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng tại đê bao cồn Dơi (dài hơn 1,8km), UBND xã Phú Đức đã lập tờ trình báo cáo về trên. Ngày 14-9-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4297, về việc phê duyệt danh mục công trình (đợt 2) từ nguồn cấp bù thủy lợi phí năm 2018 của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre.

Xã Phú Đức được hỗ trợ kinh phí gia cố bờ đê bao cồn Dơi. Tuy nhiên, quá trình thi công có một đoạn đê dài 418m thuộc ấp Phú Ninh (đoạn từ đất của ông Mai Văn Vạn đến trạm xăng dầu). Tại đây, hiện trạng lòng sông và nền hạ không có đất mà chỉ là cát nên không thể thi công được.

Ngày 26-10-2018, UBND xã Phú Đức lập tờ trình về huyện, xin chủ trương lấy đất dính từ nơi khác (đuôi cồn Lát thuộc ấp Phú Định, cách 30m về phía sông Tiền) với khối lượng khoảng 3.000m3 để gia cố đoạn đê này.

Trước đó, UBND xã đã tổ chức họp dân và cán bộ hưu trí để xin ý kiến về vị trí lấy đất, đã được nhân dân đồng ý và được Ban Chấp hành Đảng ủy xã thống nhất theo phương án này.

Chấp thuận theo phương án gia cố đê bao của xã Phú Đức, ngày 21-6-2019, UBND huyện Châu Thành đã có tờ trình UBND tỉnh cùng ngành chức năng, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là cơ quan tham mưu UBND tỉnh, về việc phê duyệt chủ trương khai thác đất trên sông Tiền để sửa chữa, nâng cấp đê cồn Dơi.

Theo yêu cầu của Sở TN&MT, UBND huyện Châu Thành đã tiến hành khảo sát, xác định tọa độ tại khu vực đất dính (đuôi cồn Lát thuộc ấp Phú Định, cách 30m về phía sông Tiền) để khai thác đất nhằm gia cố đê bao ấp Phú Ninh.

Ngày 26-7-2019, UBND huyện Châu Thành đã lập Tờ trình số 2650 xin UBND tỉnh phê duyệt chủ trương. Theo tờ trình này, UBND huyện Châu Thành đã khảo sát thực tế, vị trí khai thác đất trên sông Tiền (kèm theo tọa độ được xác định) có đủ khối lượng đất để khai thác sửa chữa đê bao và khả năng sau khai thác sẽ không sạt lở vào phần đất bê trong (vị trí khai thác cách bờ sông khoảng 100m).

Tuy nhiên, cho đến hơn 3 tháng sau (ngày 29-10-2019), Sở TN&MT mới có văn bản phúc đáp về việc xin chủ trương khai thác đất trên sông Tiền để sửa chữa, nâng cấp đê cồn Dơi của UBND huyện Châu Thành (Văn bản số 3239/STNMT-QLTN&KTTV).

Sở TNMT cho rằng: “Do công trình có sử dụng vật liệu trong thi công nên phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp”.

Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Châu Thành xây dựng phương án khai thác cụ thể, rõ ràng, có đánh giá về ảnh hưởng của môi trường đối với khu vực cồn Lát, cồn Dơi để trình Hội đồng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Phú Đức Ngô Thanh Quý cho hay: “Hiện tại, xã đã vận động các ngành, đoàn thể và nhân dân thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để gia cố tạm thời các khúc đê bị sạt lở. Rất mong các ngành chức năng tỉnh giúp đỡ, cho chủ trương để đê bao sớm được thi công sửa chữa nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân”.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN