|
Nhạc sĩ Trần Minh Luân. Ảnh: H. Trường. |
Trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, lĩnh vực âm nhạc nói riêng, không ít người ví lý do này lý do khác, không được may mắn học trường lớp chính qui, thậm chí đường học vấn cũng không đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, do năng khiếu thiên bẩm, cộng với lòng đam mê, tự học… họ đã trở nên tên tuổi. Trường hợp nhạc sĩ Trần Minh Luân là như thế. Thời học cấp trung học, bộ môn âm nhạc anh chỉ học “lướt qua”. Ấy vậy mà…
Ở Bến Tre, nhiều năm qua, Trần Minh Luân được giới văn nghệ sĩ xôn xao bàn tán như là một hiện tượng lạ, với lòng khâm phục và ngưỡng mộ. “Gia tài” của anh không quá một trăm nhạc phẩm, nhưng anh đã “bê” về gần tám mươi giải thưởng của các cuộc thi sáng tác ca khúc từ Bắc chí Nam. Năm 2005, anh “giựt” được mười một giải, năm 2006 anh tiếp tục “giựt” tám giải thi ca khúc và chín giải thưởng các thể loại văn học nghệ thuật khác. Con số mà ai nghe cũng… giật mình. Ở Việt Nam, chưa có cuộc thống kê về nhạc sĩ nào đạt kỷ lục giải thưởng thi sáng tác ca khúc. Song trộm nghĩ, có phải chàng nhạc sĩ họ Trần này chăng?
Người viết bài này đem sự thắc mắc ấy nhẹ nhàng “đặt vào tay” anh: Rằng chiếc chìa khóa… thần nào giúp anh mở ra nhiều giải thưởng như vậy? Anh chỉ cười hiền, trả lời gãy gọn: “Hổng biết nữa, có lẽ do may mắn!. Rồi anh… lập thế mời rượu, nhằm chuyển câu trả lời sang hướng khác. May thay, Võ Trung Lưu – người bạn sáng tác tương đắc của anh đã tiết lộ. Rằng Trần Minh Luân tuy bước đầu đến với âm nhạc chỉ là “tay ngang” nhưng do tính cần mẫn anh tự học trong sách vở một cách miệt mài, khoa học. Và anh khiêm tốn học ở bạn bè, học ở cuộc đời, học cả chính mình hôm qua. Anh không am hiểu nhiều lĩnh vực, song những gì anh biết là rất căn cơ, tường tỏ mới dám thưa thốt. Trong lĩnh vực âm nhạc cũng không khác. Đặc biệt, trên giá sách của anh, ngoài sách viết về âm nhac còn có đầy ắp những quyển sách hướng dẫn du lịch, sách địa chí của nhiều tỉnh thành và bản đồ các nơi. Đây là sở thích, cũng là thế mạnh của anh khi sáng tác về địa phương nào có phát động cuộc thi. Anh là người đi nhiều lại luôn nghiên cứu, nắm bắt chất liệu, điệu thức âm nhạc của từng địa phương rất kỹ. Qua đó, quá trình sáng tác anh khai thác, sử dụng một cách nhuần nhuyễn làn điệu của từng vùng miền, mà ít có nhạc sĩ không chuyên nào nhạy bén, tinh tế như thế. Khi ôm đàn sáng tác, anh thả hết cảm xúc bay bổng của người nghệ sĩ vào tác phẩm. Nhưng khi cho tác phẩm trình làng, anh lại sử dụng tới cái đầu của người làm công tác khoa học. Nghĩa là ngoài tự xem lại những gì thuộc về địa lý, lịch sử, văn hóa… trong tác phẩm của mình viết về miền quê đó, anh còn nhờ bạn bè biên tập dùm từ nốt nhạc đến ca từ. Mặt khác, anh có thêm thế mạnh nữa là đọc rất nhiều tác phẩm văn học. Những năm gần đây, một số tập sách, tạp chí văn nghệ lại x