Người cao tuổi trong giữ gìn giá trị truyền thống gia đình

30/09/2019 - 06:48

BDK - Người cao tuổi (NCT) ngày nay phải “đấu tranh” để sống trong chính gia đình của mình. “Chúng tôi đấu tranh để giữ những nền nếp xưa cũ mà chúng tôi cho là có giá trị và người trẻ thì chắt lọc những cái phù hợp (với thời đại ngày nay) để xử sự”, ông Huỳnh Khắc Hiệp - Trưởng ban Đại diện NCT tỉnh chia sẻ.

Tặng quà người cao tuổi tại lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2019.    

Giữ giá trị truyền thống 

Những chuyện tưởng chừng rất đơn giản trong cuộc sống như: cách ăn mặc của con gái ở thời đại tân tiến, đến cách cư xử giữa vợ chồng trong xã hội văn minh, hay là việc đối xử sao cho phải đạo với NCT… thì nay trở nên phức tạp.

“Không hiểu nổi tụi nhỏ ngày nay, trong khi bà nội tụi nó vẫn cứ áo bà ba gài nút sát cổ, còn tụi nó thì cứ quần ngắn cũn cỡn, áo hở bụng”, một cụ ông than vãn trong khi ngồi uống nước với bạn tại một quán nước ở Phường 6, TP. Bến Tre. Thật vậy, NCT trong thời đại này thường phải đóng vai “người phản biện” với cách hành xử, ăn mặc của người trẻ, đặc biệt là lớp cháu, chít của mình. 

Trên chuyến xe về quê Bến Tre, bà Bùi Thị N. kể, bà từng là giáo viên, hiện ngụ tại xã Sơn Đông, TP.Bến Tre, ở tuổi 65 bà đang giữ cháu ngoại ở TP. Hồ Chí Minh cho con gái và con rể đi làm. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ lắm chông gai, khi vừa phải kiếm sống, nuôi con nhỏ, vừa phải lo tiền mua nhà, không ít lần đôi bạn trẻ cãi vả nảy lửa đến mức muốn chia tay. “Tôi khuyên con gái, đừng nghĩ đến chuyện bỏ chồng đi kiếm người hơn, coi chừng “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, vì cuộc đời này không có ai hoàn mỹ, con nên hài lòng với người chồng và cuộc sống hiện tại”, bà Bùi Thị N. nói với người khách đi cùng chuyến xe.

Trong gia đình, NCT còn đóng vai trò là “người cầm cán cân công lý”, giúp cho người trẻ nhìn ra được bản chất cuộc sống trong gia đình và đoạn đường dài bậc trưởng bối đã đi qua đáng để cho con cháu phải cúi đầu nghe theo. Con gái bà N. hiểu những gì mẹ mình nói, vì bản thân bà N. có đến hai đời chồng. “Tôi sống với người chồng nào cũng nhiều cay đắng, không một người chồng nào được trọn vẹn như ý mình, hạnh phúc thực sự đến từ sự chịu đựng và chấp nhận lẫn nhau mà thôi”, bà N. giãi bày.

Thế hệ NCT hôm nay là những người đã trải qua những giai đoạn lịch sử, xã hội đầy khó khăn gian khổ như chiến tranh, vật lộn với cuộc sống kinh tế khó khăn. Lớp NCT cũng là những người tích lũy được rất nhiều vốn quý về văn hóa, truyền thống dân tộc, kinh nghiệm sản xuất, đạo đức, lối sống để truyền cho các thế hệ con cháu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phần phúc cho người trẻ biết nghe

Một sự thật khá phũ phàng, NCT ngày nay trong gia đình dường như là lực lượng yếu thế. “Chúng tôi yếu thế rồi, người trẻ ngày nay đâu như ngày xưa, chúng tôi giờ phải “làm dâu” ngược lại cho con cái, bởi chúng nó miệt mài lo kinh tế. Chúng tôi đấu tranh không nổi nữa rồi, có chăng thì chuyện chướng mắt cần phải khuyên nhủ thì cứ khuyên con, cháu đứa nào biết nghe thì được hưởng nhờ phần phúc của người già truyền cho”, ông Huỳnh Khắc Hiệp nói.

Lo lắng cho lớp trẻ hiện nay, cụ ông Nguyễn Văn Quyền, ngụ xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam nói: “Trẻ nhỏ bây giờ lên mạng nhiều, sống theo trào lưu trên mạng, người già sao kiểm soát nổi. Xóm tôi, bao nhiêu là vợ chồng trẻ tuổi gửi con lại cho ông bà nuôi dạy để đi xa kiếm tiền, làm công nhân cho các công ty, mà tình thương của ông bà làm sao bằng cha mẹ. Thiếu tình thương, thiếu sự gần gũi của cha mẹ, mấy đứa trẻ trở nên khó dạy, có đứa lệch lạc luôn, nhưng gia đình nào có nền nếp thì mấy đứa nhỏ đỡ hơn”.

Giá trị của NCT khiến người trẻ ngày nay dù giỏi đến đâu, bay cao, bay xa đến đâu vẫn phải lắng nghe. “Chúng tôi chấp nhận hy sinh cả cuộc đời cho con cháu, kể cả giá trị vật chất mà chúng tôi tạo dựng trong nhiều đời - cũng truyền lại hết cho con cháu, đến hơi sức cuối cùng vẫn là để phục vụ thế hệ con cháu thành người. Và bọn trẻ nghe, gạn lọc những cái hợp lý để áp dụng vào cuộc sống hiện tại”, cụ ông Huỳnh Khắc Hiệp, người đại diện cho thế hệ NCT tỉnh nhà chia sẻ góc nhìn.

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chỉ rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của NCT càng trở nên trụ cột trong giữ gìn các giá trị gia đình truyền thống như: hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương nhường nhịn với anh chị em; thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng...

Toàn tỉnh hiện có 28 mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau tại cộng đồng, câu lạc bộ hoạt động nhằm chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Dự kiến, đến cuối năm 2019 ra mắt thêm 10 câu lạc bộ tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN