Bác sĩ Đoàn Thúy Ba (bìa phải) và đồng chí, đồng nghiệp tại Bệnh viện Hoàng Lê Kha. |
Tôi muốn nói đến Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Đoàn Thúy Ba. Suốt chặng đường đóng góp công sức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, chức vụ cao nhất bà giữ là Thứ trưởng Bộ Y tế, song điều đọng lại trong lòng người dân, đồng nghiệp còn nhiều hơn thế.
Bà tên thật là Đoàn Hồng Hoa, quê ở xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam, là một học trò tiêu biểu được bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đào tạo trong chiến trường ác liệt năm xưa. Năm 1954, bà tập kết ra Bắc. Vừa làm việc, vừa học, bà tốt nghiệp, trở thành bác sĩ ngày 2-9-1962. Được sự đồng ý của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế, bà lao vào tập luyện sức khỏe dẻo dai để lên đường về miền Nam.
Chuyến vượt Trường Sơn của bà có lẽ cũng thuộc dạng huyền thoại. Lúc ấy, nhìn dáng bà mỏng manh ai cũng sợ sức bà không chịu nổi. Nhưng trái tim ấy, ý chí ấy luôn hướng về miền Nam. Nơi đó người dân đang phải oằn mình dưới mưa bom lửa đạn, các đồng chí đang xung phong, có cả đứa con trai bé bỏng đang mong chờ mẹ… Tất cả trở thành động lực, là liều thuốc tinh thần của bà. Sáu tháng băng rừng, lội suối, trèo đèo, vượt dốc, bà đã về đến, bắt tay củng cố y tế Bến Tre, mở các lớp đào tạo cán bộ y tế, tổ chức lại công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân và phòng, chống dịch…
Thời gian này, bà nhận được tin cha bị bọn Mỹ ngụy sát hại. Nỗi đau tiếp nối, mẹ mất sớm, chồng hy sinh ngoài mặt trận, giờ thì… Nén đau thương, bà lên đường về Trung ương Cục nhận nhiệm vụ mới. Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện Hoàng Lê Kha - bác sĩ Đoàn Thúy Ba nhớ lại: “Chúng tôi cố gắng làm việc để bệnh viện xứng đáng với cái tên của liệt sĩ trung kiên, bất khuất (là Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh - NV)”. Trong quá trình kháng chiến, Bệnh viện Hoàng Lê Kha đã nhận điều trị cho hơn 1.500 bệnh nhân là cán bộ, nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp, dù những năm ấy các bệnh do sốt rét ác tính, rắn cắn nhiều.
Bác sĩ Đoàn Thúy Ba và ông Tạ Minh Khâm.
Trong bài Những chiếc áo trắng trong lòng dân, đăng trong Kỷ yếu truyền thống Dân y miền Nam, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết: “Sự trở về của bác sĩ Thúy Ba lúc đó có tác dụng động viên đối với nữ cán bộ y tế đang công tác ở miền Nam. Sự có mặt của cô ở chiến trường miền Nam được nhà báo Pháp Madeleine Riffaud và nhà báo Ba Lan Valensa nhắc đến trong các bài báo về những chiếc áo trắng trong rừng xanh”.
Cánh rừng miền Đông cũng là nơi chứng kiến hạnh phúc một lần nữa mỉm cười với bà. Đoàn Thúy Ba và “Người của chiến trường” - Sư trưởng Sư đoàn 9 Tạ Minh Khâm, cùng quê Mỏ Cày, là cặp đôi vẹn toàn tài sắc, được nhiều người vun đắp.
Nếu ví cuộc đời của mỗi con người như một tác phẩm hội họa thì bà đã cố gắng tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh cho mình. Những kém may mắn, thiệt thòi trong gia đình lớn và gia đình nhỏ là một thực tế, song bà đã không ngừng nỗ lực để giữ những gam màu tươi sáng luôn luôn hiện hữu, là chủ đạo trong “bức tranh” cuộc sống. Bởi vậy, hình ảnh bà trước mọi người luôn chỉn chu, tươi mới và vận hành công việc đâu ra đó. 15 năm là quãng thời gian bà và ông - cố Đại tá Tạ Minh Khâm lần lượt nhận danh hiệu Anh hùng do Nhà nước phong tặng, truy tặng.
Người chị thân thương của ngành y tế tỉnh nhà
Năm 1985, bà giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Y tế, thường trực phía Nam, là Ủy viên Ban Chỉ đạo chương trình lớn của Nhà nước, phụ trách y tế các ngành dầu khí, cao su, thủy điện, vùng lúa đồng bằng sông Cửu Long. Được tôi luyện, trưởng thành từ kháng chiến nên bà làm việc không nề hà khó khăn, vất vả. Mặc áo bà ba, khăn rằn quàng cổ, xông pha mọi nơi là hình ảnh quen thuộc của bà trong mắt mọi người. Đến tận bây giờ, bác sĩ Phan Song Vũ - nguyên Giám đốc Sở Y tế vẫn nhớ hoài tấm lòng mà “chị Ba” dành cho tỉnh nhà nói chung, ngành Y tế nói riêng.
Thời điểm đó, Bến Tre đối mặt với dịch bệnh sốt rét. Cả tỉnh có mấy chục ngàn người mắc bệnh sốt rét, một năm mấy trăm người chết. Còn nữa, điều kiện sống, lao động của phụ nữ, nhất là các huyện biển, không được như bây giờ, nên tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa chiếm gần 50%. Những con số ấy làm bà đau đáu. Bà đi tận cơ sở, quan sát và có giải pháp đối với từng vấn đề rất mau lẹ. “Đối với bệnh sốt rét, chị quan tâm chỉ đạo các đơn vị đầu ngành tập trung hỗ trợ các tỉnh, trong đó có Bến Tre; qua đó, tạo thành phong trào phòng, chống bệnh rất tốt. Bến Tre dấy lên chiến dịch phòng, chống sốt rét mạnh mẽ. Ngành Y tế ngoài tổ chức các đợt diệt muỗi, còn chú trọng tập huấn kiến thức cho người dân, đào tạo cán bộ y tế… Từ đó, căn bệnh bức xúc sau giải phóng dần được đẩy lùi, kiểm soát, bác sĩ Song Vũ nói.
Bà quan niệm ở đâu có dân là ở đó phải có cán bộ y tế, cho dù trong chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc hay trong hòa bình xây dựng đất nước. Cũng vì vậy mà bà rất quan tâm đến việc trang cấp phương tiện, nâng cao tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc. Thời gian bác sĩ Song Vũ làm Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Y tế (1987-2007), ngành y tế Bến Tre tiếp nhận 4 dự án “mồi” là: dự án Việt - Úc, mở ra điều kiện phát triển cơ sở y tế; dự án y tế nông thôn, giúp nâng cao công tác điều trị, xây dựng lại các bệnh viện huyện; dự án UNFPA, chủ yếu dân số, kế hoạch hóa gia đình và dự án Đồng bằng sông Cửu Long, giúp đào tạo, nâng cấp bệnh viện tỉnh. Có thể xem đây là “cú hích” để ngành phát triển.
“Việc chung là vậy, còn đối với việc riêng chị cũng nghĩ cho người khác bằng việc đề xuất xây dựng bia lưu niệm nơi chị và bạn bè học ngày nào do bác sĩ Trần Hữu Nghiệp giảng dạy tại xã An Thới”, bác sĩ Song Vũ nhớ lại. Trong công việc, bà luôn có sáng kiến và là người chịu lắng nghe. Anh em có đề xuất gì bà cũng xem xét, cho ý kiến tận tình. Điển hình như việc ra đời của Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cù lao Minh. Bà tham gia ý kiến về sự cần thiết của công trình, được Bộ Y tế đồng ý cho triển khai. Bệnh viện này gần đây phấn đấu đạt chuẩn bệnh viện hạng 2 của tỉnh. Còn nữa, anh em quý mến bà bởi tính tình cởi mở, vui vẻ. Hồi mới giải phóng, đường về huyện Thạnh Phú rất gian nan. Sau chuyến đi, bà dí dỏm nói: “Về quê lần này được ngành Y tế và Song Vũ cho đi mô-tô hí”. Biết bà nhắc đến xe ngựa, mọi người thích chí, tủm tỉm hoài.
Đến giờ, bà vẫn giữ thói quen đọc sách, báo hàng ngày. Hôm tôi đến, bà chia sẻ niềm vui về thành công của Đại hội X Đảng bộ tỉnh; khen báo có đóng góp lớn trong việc tuyên truyền, làm tôi cũng vui lây. Duy điều khiến bà trăn trở hiện nay là việc đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng đối với thầy Trần Hữu Nghiệp còn nhiều gian nan. Bà mong “thầy của những người thầy” sẽ được tôn vinh trong thời gian sớm nhất.
Xuân này bà bước sang tuổi 86. Thời gian có làm sức khỏe bà suy giảm nhưng tấm lòng của bà vẫn nóng hôi hổi như ngày nào cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Lời của Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương phát biểu trong ngày bà được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động 17-6-2000 đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Tất cả ai đã từng một lần được tiếp xúc, làm việc, công tác với chị Ba đều nhận được ở chị sự quan tâm và tình cảm đầm ấm như đối với người thân trong gia đình… Chị là hạt nhân đoàn kết, là nơi để mọi người tâm sự ngay cả khi chị không còn giữ chức vụ Thứ trưởng”.
Sinh năm 1930, đến năm 1948 bà vào ngành Y tế. Năm 1975, bà được phân công phụ trách Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất), sau đó làm Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Thứ trưởng Bộ Y tế. Nhiều người nhận xét, dù ở vị trí nào, bà cũng hăng say, nhiệt tình công tác; đã tập hợp được mọi người cùng với mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. |
Khải Minh
Chia sẻ bài viết |
*Email (không hiển thị trên trang):
*Họ tên (hiển thị trên trang):