Ngư dân với niềm tin từ biển

22/01/2016 - 15:21
Với công suất bình quân gần 500CV, đội tàu đánh bắt xa bờ của Bến Tre được đánh giá là lớn nhất trong 28 tỉnh, thành có biển. Ảnh: M. Phương

Mặc dù ngư dân Bến Tre được hưởng lợi chưa nhiều từ những chính sách của Nghị định số 67 nhưng trong năm 2015, nghề cá ở tỉnh ta có một bước đột phá mới. 

Thêm điều kiện thời tiết thuận lợi, giá dầu giảm nên ngư dân ai nấy cũng rạng rỡ bước xuống tàu về quê vui Tết sau một năm lênh đênh trên biển. Theo các chủ của 1.775 tàu đánh bắt xa bờ (chiếm 48,5% số tàu của tỉnh), trung bình sau mỗi chuyến ra khơi có lãi khoảng 300 triệu đồng. Riêng các tàu tham gia tốt các tổ đội và có tàu tải phục vụ vận chuyển thì mức lợi nhuận đạt bình quân từ 350 - 400 triệu đồng.

Tàu tải - điểm nhấn của dịch vụ hậu cần nghề cá

Được giải ngân từ Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phan Thị Chiến (xã Bình Thắng, Bình Đại) đã đóng mới chiếc tàu trọng tải đến 150 tấn chỉ chuyên làm nhiệm vụ vận tải hàng hóa phục vụ cho 10 cặp càu đôi trong tổ đội đánh bắt của hiệu tàu Phước Mai danh tiếng của mình.

Chiếc tàu giá trị chưa tới 10 tỷ đồng này được bà Chiến đánh giá là vô cùng hiệu quả. Theo bà, tuy không trực tiếp tham gia đánh bắt nhưng khả năng sinh lời của chiếc tàu này là rất cao, thậm chí không mất nhiều thời gian như những tàu có đánh bắt. Mỗi chuyến ra ngư trường tải cá về, thu lợi khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, 40 triệu đồng đó chẳng đáng kể gì, vì sự đóng góp của chiếc tàu tải là liên hoàn, liên đới mang lại lợi nhuận đánh bắt cao hơn cho cả đoàn tàu và khó có thể hạch toán hết mức hiệu quả của nó.

“40 triệu đồng kia chỉ là lấy phí vận chuyển từ các tàu đánh bắt để coi như “thưởng trà lá” cho sự cực nhọc của bạn ghe đi tải. Cái lợi lớn có thể nói như sau, đoàn tàu hiệu Phước Mai của chúng tôi có 10 cặp, mỗi cặp đánh bắt trong một tháng phải sử dụng từ 70 - 100 ngàn lít dầu và từ 2.300 - 2.500 cây nước đá. Nếu chở một lần thì tàu sẽ khẳm, khi đánh bắt máy phải chạy ga lớn hơn thì phải tốn nhiều dầu, hơn nữa, chứa cùng lúc quá nhiều dầu trên boong tàu sẽ không được an toàn. Có tàu tải phục vụ, ra khơi không cần “cộ” hết một lần như trước nên tàu luôn thong dong đánh bắt nhẹ nhàng. Khi đánh bắt có nhiều cá thì gọi tàu tải ra vận chuyển vào cảng bất cứ khi nào - cái khâu này là quan trọng nhất vì chẳng sợ cá ướp đá lâu ngày bị giảm chất lượng như trước kia. Hơn nữa, chở về như thế mình sẽ chủ động chọn được thời điểm giá thị trường cao. Mỗi tháng, Phước Mai khai thác hơn 350 tấn hải sản nên chỉ cần chớp thời cơ giá lên chừng 500 đồng/kg thôi thì bỏ túi thêm được nửa tỷ đồng. Còn nữa, do cá còn tươi nên mình sẽ được lái “boa” 200 đồng/kg, số tiền này dùng thưởng cho tài công và bạn ghe để họ “sung” mà làm việc tốt hơn. Ngoài ra, nếu tàu ngoài khơi cần bất cứ thứ gì thì chỉ cần gọi là có, chứ không cần chạy về mất thời gian. Vì thế, nếu đánh trúng luồng cá, tàu có thể đi liên tục đến vài tháng” - bà Chiến cho hay.

Ngư dân Nguyễn Văn Bạc (xã An Thủy, Ba Tri), cũng thuộc đối tượng được giải ngân đóng tàu hậu cần nghề cá từ Nghị định số 67, vừa hạ thủy vận tải được vài chuyến cuối năm, phấn khởi cho hay: “Trước kia, tôi… xem thường mấy cái tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nên cứ mãi chìm trong khó khăn. Bây giờ, xài được mấy chuyến mà hiệu quả thấy rõ”.

Những “đại gia” nghề biển Bình Đại, Ba Tri có từ 3 cặp trở lên đều đã “nhín” ra chiếc tàu đực trọng tải từ 60 - 70 tấn để sử dụng tàu tải cho tổ đội đánh bắt của mình. Tất cả họ đều làm ăn hết sức có hiệu quả so với những ngư dân khác. Có thể nói, nhu cầu sử dụng tàu tải của ngư dân 2 huyện này đã thành phong trào từ nửa cuối năm 2015.

Thương lái và cảng “sáng sủa” hơn

Những tháng đầu năm 2015, đoàn tàu hùng hậu của tỉnh đánh bắt ở các ngư trường phía Nam, thuộc các tỉnh: Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Giá hải sản ở các cảng Kênh Ba, Gành Hào, Sông Đốc cao hơn nhiều so với ở cảng Bình Thắng, Tiệm Tôm. Hơn nữa, buôn bán chủ yếu giao dịch tiền mặt nhanh gọn nên các chủ ghe thích hơn. Ngoài ra, tại các cảng này, thương lái đều có những dịch vụ chăm sóc chủ ghe, tài công và thuyền viên rất tốt, trong khi tại 2 cảng cá lớn của tỉnh thì ngược lại và số lượng tàu cặp cảng cùng lúc để bán cá cũng bị hạn chế. Những điều bất lợi xuất phát từ chủ quan đó đã khiến các tàu sau khi đánh bắt không đồng ý về bán ở các cảng tỉnh nhà. Tình trạng đó đã gây ra khó khăn lớn cho hoạt động của các cảng cá, cũng như làm hụt nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hải sản và các làng nghề chế biến cá khô trong tỉnh.

“Xác định được những nguyên nhân đó, chúng tôi đã triển khai mở rộng 3 cảng cá lớn của tỉnh là Bình Thắng, Tiệm Tôm, An Nhơn và tuyên truyền cho các thương lái đầu nậu tại cảng để họ điều chỉnh hoạt động thu mua của mình hợp lý hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý cảng cá điều chỉnh hoạt động các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ khai thác trên biển; mặt khác, đảm bảo tốt hơn về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại các cảng cá. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, vấn đề tàu cá không về cảng đã được khắc phục cơ bản, sản lượng hải sản về cảng đạt 180 ngàn tấn, đạt 133% kế hoạch năm 2015. Đáng chú ý, sản phẩm của tàu khai thác xa bờ chiếm đến khoảng 80% sản lượng”, ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Trong Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, kinh tế thủy sản lại một lần nữa được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Bến Tre. Năm 2015, có thêm 369 tàu được đóng mới, sửa vỏ, thay máy nâng công suất 264 tàu (tổng cộng 633 chiếc, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước). Với đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 5 ngàn tàu, trong đó 2 ngàn tàu đánh bắt xa bờ có thể đạt rất sớm.

“Tốc độ phát triển về kỹ thuật đánh bắt, độ lớn vỏ tàu, số lượng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá của tỉnh năm 2015 đáng phấn khởi. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển khai thác xa bờ, mô hình tổ đội khai thác hải sản trên biển, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá để ngư dân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nữa. Đồng thời, khuyến khích ngư dân bỏ dần các loại hình khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi hải sản tự nhiên và phát triển thêm các loại hình khai thác mới mà đối tượng khai thác có giá trị kinh tế, thị trường tiêu thụ tốt nhằm đảm bảo tính bền vững cho ngành khai thác hải sản quan trọng của tỉnh. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến thủy, hải sản”, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.

Việt Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN