Ngoài Mỹ và Israel, 7 quốc gia cũng phản đối Palestine làm thành viên LHQ chính thức

11/05/2024 - 16:12

Tính cả Mỹ và Israel, có tổng cộng 9 quốc gia phản đối nghị quyết mới nhất của Liên hợp quốc ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine, tại New York (Mỹ) ngày 10-5-2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ The Hill ngày 10-5, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Có 143 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 25 phiếu trắng và 9 phiếu chống.

Chín quốc gia phản đối công nhận Palestine tham gia Liên hợp quốc (LHQ) là Mỹ, Israel, Argentina, Cộng hòa Séc, Micronesia, Nauru, Palau, Hungary và Papua New Guinea.

Vào tháng 4, Mỹ đã phủ quyết nỗ lực của Palestine để được công nhận là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an vào ngày 18-4. Có hai quốc gia bỏ phiếu trắng và Mỹ là quốc gia có quyền phủ quyết duy nhất.

Với việc thông qua nghị quyết, Hội đồng Bảo an hiện cần đưa ra những biện pháp có lợi cho Palestine.

Nỗ lực để Palestine trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc diễn ra khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas tiếp tục bước sang tháng thứ 7. Các cuộc họp của Liên hợp quốc đã chuyển trọng tâm vào cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza khi nhiều người đã thiệt mạng từ ngày 7-10-2023.

Ông Riyad Mansour, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc, phát biểu trước cuộc bỏ phiếu: “Bỏ phiếu đồng ý là điều đúng đắn và tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng, các ngài và đất nước của các ngài trong nhiều năm tới sẽ tự hào vì đã đứng lên vì tự do, công lý, hòa bình trong giờ phút đen tối nhất này”.

Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Liên hợp quốc Gilad Erdan đã mang theo máy hủy giấy khi phát biểu và chỉ trích những người tỏ ra sẵn sàng ủng hộ nghị quyết. Ông đã nghiền nhỏ bản sao hiến chương Liên hợp quốc.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với qui chế và hoạt động của Palestine. Theo đó, Palestine sẽ được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng (tháng 9-2024), như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường… Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).

Năm 1974, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm thành viên quan sát. Tới tháng 11-2012, Đại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế “thành viên quan sát” tại Liên hợp quốc. Hiến chương Liên hợp quốc quy định việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng quyết định căn cứ theo một nghị quyết đề nghị của Hội đồng Bảo an, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9/15 phiếu ủng hộ của và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của 2/3 số thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để trở thành thành viên chính thức.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN