Nghiên cứu đổi mới việc dạy - học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

30/06/2022 - 12:15

BDK - Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Ðình Chiểu, có dịp trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hồng Lan dạy bộ môn Ngữ văn tại Trường THPT Ðoàn Thị Ðiểm, huyện Thạnh Phú. Cô chia sẻ những phát hiện thú vị sau cuộc khảo sát phục vụ bài nghiên cứu “Phương pháp đổi mới việc dạy - học thơ văn Nguyễn Ðình Chiểu theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh lớp 11”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan tham dự hội thảo khoa học về “Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, tinh thần vượt khó, học tập suốt đời” tại huyện Ba Tri (tháng 6-2022). Ảnh: Phan Hân

Truyền thụ luân lý

Khoảng cách về thời gian, văn hóa giữa một ông lão có vẻ mặt khắc khổ viết truyện Lục Vân Tiên với một thế hệ học sinh hôm nay để rồi “phát hiện thú vị qua cuộc khảo sát là các em vẫn rất yêu thích các giá trị luân lý, đạo đức nhân nghĩa được tác giả Nguyễn Đình Chiểu nói lên trong tác phẩm Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”1. Phát hiện này khiến nhiều người reo lên “Phải chăng những quan niệm đạo đức, triết lý thời phong kiến được biểu hiện trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như: trung, hiếu, tiết, nghĩa, công, dung, ngôn, hạnh vẫn lưu truyền trong lòng người Việt sau hàng trăm năm, thậm chí ngàn năm tồn tại?”2.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan là một trong hai tác giả của bài viết “Ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu trong các trường học”. Cuộc khảo sát được tiến hành, với 30 giáo viên và 300 học sinh tại 11 điểm trường. Kết quả cuộc khảo sát của cô Nguyễn Thị Hồng Lan cho thấy: “Đa số học sinh tại các trường học đều yêu thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Một phát hiện thú vị qua cuộc khảo sát là các học sinh vẫn rất yêu thích các giá trị luân lý, đạo đức, nhân nghĩa được tác giả nói lên trong tác phẩm. Mặc dù, tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu ở vào một thời kỳ văn học có những quan niệm, triết lý sống mang đặc trưng của thời đại ở thế kỷ XIX. Thế nhưng, những giá trị đạo đức dân tộc như lòng hiếu thảo, tình nghĩa thủy chung trong tình bạn, tình thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, nỗi đau trước số phận con người vẫn được học sinh đón nhận bằng sự rung động sâu sắc của trái tim”3.

Về thực trạng việc dạy và học các tác phẩm của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại các trường học được phản ánh qua cuộc khảo sát của cô Nguyễn Thị Hồng Lan như sau: “Trước hết, cần nhấn mạnh cả thầy và trò tại các trường trên quê hương Bến Tre đều có một tình yêu sâu sắc đối với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Hầu hết, các giáo viên ý thức rất rõ về những giá trị tư tưởng của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với nền văn học dân tộc và mong muốn truyền dạy cho các em những giá trị tư tưởng lớn lao ấy.

Áng thơ văn bất hủ

Những năm 1960, một số nhà xuất bản cho rằng, 80 - 90% đồng bào của chúng ta chỉ ưa luân lý trong Lục Vân Tiên. Vì thế, các tập thơ Lục Vân Tiên bán rất chạy từ tiệm sách ở Chợ Lớn (Sài Gòn) đến các điểm bán sách trên vỉa hè các tỉnh lỵ (nhận định này được đăng trên báo Bách khoa số 214, 242 và 243, ra tháng 1, 2-1967 trong bài “Trên 10 năm cầm bút và xuất bản” của tác giả Nguyễn Hiến Lê).

Khi được hỏi về động lực đưa cô Nguyễn Thị Hồng Lan đến với Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cô Lan cho biết: “Tôi muốn nói với bạn bè quốc tế rằng Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã ghi dấu ấn lớn trong lòng dân tộc qua nhân cách và những áng văn tuyệt đẹp. Ngôn từ của Nguyễn Đình Chiểu không lộng lẫy, trau chuốt nhưng trong sáng, chứa đựng cả văn hóa, tính cách, tâm hồn nhân ái, nhân văn của dân tộc Việt Nam”.

Cuộc khảo sát của cô Nguyễn Thị Hồng Lan tiếp tục khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn xứng đáng là một danh nhân văn hóa, là niềm tự hào của nhân dân Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguyễn Đình Chiểu đã có công lưu giữ và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng nhân văn của dân tộc Việt Nam bằng những áng thơ văn tuyệt đẹp. Ông biết nâng niu vốn văn hóa dân tộc, yêu thương con người, chiến đấu với cái xấu, cái ác để bảo vệ sự sống con người. Niềm vui sướng, hạnh phúc và khổ đau ấy được thể hiện một cách thấm thía qua chính cuộc đời và những áng thơ văn mộc mạc nhưng luôn tỏa sáng bằng chân tình của tác giả đối với văn hóa, con người Việt Nam”4.

Niềm cảm mến đối với Nguyễn Đình Chiểu đã lan tỏa qua nhiều thế hệ, đi qua biết bao thăng trầm của thời đại. Những áng thơ văn bất hủ của Nguyễn Đình Chiểu đã tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc qua hàng trăm năm.

Cô Nguyễn Thị Hồng Lan là giáo viên duy nhất tại Bến Tre có bài viết tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của cụ. Cô Hồng Lan hiện công tác tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm, huyện Thạnh Phú. Các nội dung trích dẫn trong bài viết (1, 2, 3, 4) từ nghiên cứu “Phương pháp đổi mới việc dạy - học thơ văn Nguyễn Đình Chiểu theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh lớp 11”.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN