Nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long 

25/12/2024 - 11:37

BDK.VN - Sáng 25-12-2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã tổ chức hội thảo tham vấn báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) giai đoạn 2 thuộc dự án: Nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ. Đến dự có Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội.

Đại biểu tham dự hội thảo tham vấn. 

Với tổng mức đầu tư dự kiến 51,6 tỷ đồng, dự án sẽ triển khai trong ba giai đoạn từ năm 2025 đến 2028. Dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp tài trợ quốc tế, với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với 4 tỉnh ĐBSCL.

Dự án “Chuyển đổi số phục vụ phát triển nông nghiệp: Thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong quản lý và sản xuất nông nghiệp tại khu vực. Dự án có sự tham gia của 4 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Đồng Tháp, do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo, dự án sẽ xây dựng khung kiến trúc công nghệ thông tin ngành nông nghiệp; thiết lập cổng thông tin quản lý quy trình sản xuất (lúa, dừa, xoài, muối), cùng với phần mềm thu thập, quản lý dữ liệu quan trắc và cảnh báo xâm nhập mặn, hạn hán tại 4 tỉnh. Một ứng dụng di động tích hợp sẽ giúp kết nối người dân và doanh nghiệp, tăng cường hiệu quả sản xuất và tiếp cận thị trường.

 Dự án cũng xây dựng kế hoạch đào tạo và truyền thông nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, người dân và doanh nghiệp về ứng dụng chuyển đổi số; đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, thu thập, kết nối và chia sẻ dữ liệu ngành nông nghiệp.

Để thực hiện các mục tiêu trên, dự án sẽ triển khai 5 hợp phần, gồm: Xây dựng khung kiến trúc công nghệ thông tin ngành nông nghiệp ĐBSCL; xây dựng cổng thông tin quản lý quy trình sản xuất nông nghiệp; xây dựng kế hoạch đào tạo và truyền thông; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, thu thập, kết nối và chia sẻ dữ liệu ngành nông nghiệp; quản lý dự án, giám sát và đánh giá dự án.

Việc hoàn thành dự án được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp tại ĐBSCL. Đây không chỉ là giải pháp giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Qua đó nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp số hiện đại, bền vững, đưa ĐBSCL trở thành vùng sản xuất tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp của cả nước. 

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN