Nghiên cứu, cải thiện chất lượng giống dừa Bến Tre

29/07/2019 - 07:26

BDK - Câu chuyện chất lượng giống dừa đang đặt ra cho ngành công nghiệp chế biến dừa vừa mới bước đầu phát triển của Bến Tre nhiều trăn trở. Bởi “chuỗi giá trị cây dừa phải được bắt đầu từ giống”, nhưng tình trạng thoái hóa giống dẫn đến chất lượng nguồn dừa nguyên liệu không đồng đều cũng tác động rất lớn đến việc đa dạng hóa sản phẩm dừa.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (đứng, bìa trái) tham quan một công đoạn nghiên cứu giống dừa tại phòng thí nghiệm thực vật, Trường Đại học Quốc tế.

Giải quyết chất lượng giống dừa

Ông Cù Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới nhận xét, những kết quả đạt được trong ngành công nghiệp chế biến dừa thời gian qua của tỉnh ta rất đáng mừng, nhưng so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thì đây chỉ mới là khởi đầu. “Chúng ta chỉ mới đặt chân vào thị trường lớn, công nghệ vẫn còn thô sơ, sản phẩm đơn giản, trong khi các nước bạn như Thái Lan, Philippines đã đi trước chúng ta rất nhiều. So với họ, mình chưa đủ sức cạnh tranh”, ông Thành nói.

Nói về chất lượng dừa Bến Tre, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Theo các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài khi làm việc với tỉnh, dừa Bến Tre có tỷ lệ, thành phần rất lý tưởng, đạt mức xơ 33%, cơm 30%, gáo 15%, nước 22%. Đây là tỷ lệ lý tưởng để sản xuất đa ứng dụng trong ngành công nghiệp chế biến dừa, rất ít giống dừa đương đại nào của thế giới có được tỷ lệ này”. Tuy nhiên, dù là nơi trồng nhiều dừa nhất cả nước với khoảng 72.000ha dừa (gần 50% diện tích dừa cả nước) nhưng chất lượng nguồn nguyên liệu dừa của tỉnh ta hiện nay chưa đồng đều. Một trong số những nguyên nhân là từ vấn đề giống, bộ giống dừa của tỉnh đang có nguy cơ thoái hóa, một bộ phận những người kinh doanh giống sử dụng loại giống kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng dừa nguyên liệu.

“Muốn chuỗi giá trị cây dừa phát triển bền vững, vấn đề khó nhất hiện nay là công tác kiểm định chất lượng giống vẫn chưa được làm bài bản. Chúng ta cần phải đẩy nhanh vừa nghiên cứu về giống vừa chuyển giao công nghệ, ứng dụng vào sản xuất để đuổi kịp những tiến bộ của thế giới”, ông Cù Văn Thành đề nghị.

Nghiên cứu theo hướng đa ứng dụng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ đang hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) triển khai dự án “Nghiên cứu chọn tạo và nhân giống dừa có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển bền vững cây dừa cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Huỳnh Quang Đức cho biết: “Đây chính là hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, từ đó mở ra hàng loạt các hướng đi mới cho ngành công nghiệp chế biến dừa”. Theo đại diện ngành nông nghiệp, trong quá trình làm việc, trao đổi với nhóm nghiên cứu, ngành cũng lưu ý tiếp cận thực hiện theo hướng nghiên cứu giống dừa đa dụng để doanh nghiệp khi đầu tư làm có thể tạo nên nhiều giá trị tăng thêm, ứng dụng được nhiều sản phẩm trên một trái dừa; chất lượng dừa cũng cần đáp ứng theo tiêu chuẩn phục vụ trong nước và xuất khẩu, trọng lượng từ 1,4 - 1,6kg. Trong giới thiệu giống dừa để bình tuyển, ngành cũng lưu ý chọn các cây dừa cho chất lượng trái tốt, có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Theo ông Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ: “Chúng tôi cũng mong muốn phía các nhà nghiên cứu có thể chuyển giao kỹ thuật ngay trong quá trình nghiên cứu để sau khi dự án thành công thì ngành chức năng tỉnh bắt tay ngay vào ứng dụng thực tế”.

Ở vai trò phối hợp với nhóm nghiên cứu trong thực hiện dự án, ngành nông nghiệp, ngành khoa học và công nghệ tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Quốc tế để triển khai dự án đúng tiến độ, đạt kết quả, có thể ứng dụng vào thực tế để cải thiện chất lượng giống dừa Bến Tre, phát triển chuỗi giá trị cây dừa một cách bền vững. Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh được phân công chịu trách nhiệm các công tác khảo nghiệm, thực tế, chọn giống để giới thiệu thu thập. Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sẽ hỗ trợ cho đơn vị nghiên cứu các phần việc cần thiết trong quá trình thực hiện trong phòng thí nghiệm. Dự án dự kiến tiến hành trong 60 tháng (từ tháng 3-2019 đến tháng 2-2024).

Dự án ứng dụng công nghệ vi nhân giống trên các giống dừa đã qua bình tuyển và tinh chọn để tạo ra cây dừa vô tính đầu tiên tại Việt Nam, hướng đến sản xuất đại trà cây dừa giống có phẩm chất vượt trội, giúp tạo nền tảng cho công tác tái trồng vườn dừa của tỉnh. Dự án triển khai từ tháng 3-2019, đến nay đã qua các bước thu thập giống dừa tại tỉnh, đồng thời thực hiện 5 cặp lai với phương pháp chủ động, nghiên cứu quy trình vi nhân giống dừa thông qua kỹ thuật tạo phôi sinh trưởng (phôi vô tính) từ mô tế bào chồi mầm tại phòng thí nghiệm Trường Đại học Quốc tế.

(Ông Nguyễn Thiên Quang -  Giảng viên Trường Đại học Quốc tế, thành viên nhóm nghiên cứu dự án)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN