Nghĩa vụ trả số tiền vay nợ gốc theo hợp đồng

19/03/2023 - 17:32

Bà Lê Thị Năng có nhu cầu tư vấn: Do làm ăn thua lỗ, con trai tôi là T có vay 100 triệu đồng của ông A với lãi suất 10%. T đã đóng tiền lãi 6 tháng nhưng vẫn không có tiền trả nợ. Gần đây, T bị bên cho vay chửi bới, hăm dọa. Xin hỏi, trường hợp của T phải làm sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc theo pháp luật quy định.

Về lãi suất vay, Điều 468 BLDS quy định như sau:

1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và khi có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, lãi suất trong trường hợp vay tài sản sẽ do hai thỏa thuận. Tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tương đương 1,66%/tháng). Nếu vượt quá mức này, khi xảy ra tranh chấp thì phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp con trai bà là anh T vay của ông A số tiền 100 triệu đồng với mức lãi suất 10%/tháng. Nếu trường hợp xảy ra tranh chấp thì mức lãi suất vượt quá (10 - 1,66%) là 8,34% sẽ không có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, về số tiền vay (vốn gốc 100 triệu đồng) thì anh T vẫn có nghĩa vụ phải trả đủ số tiền trên khi đến hạn theo hợp đồng vay.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN