Nghị viện châu Âu thông qua dự luật về AI

14/03/2024 - 05:53

Các nước châu Âu đã tiến gần hơn đến việc thông qua đạo luật đầu tiên về trí tuệ nhân tạo (AI) sau khi các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13-3 có bước phê chuẩn cuối cùng đối với khuôn khổ pháp lý toàn diện nhằm kiểm soát AI, bao gồm các hệ thống AI mạnh mẽ như ChatGPT của OpenAI.

Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Mỹ OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại phiên họp toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Đạo luật về AI đã nhận được sự ủng hộ của 523 nghị sĩ châu Âu, trong khi có 46 nghị sĩ bỏ phiếu chống. Văn bản này cần được cơ quan lập pháp của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua vào tháng 4 tới trước khi được công bố trên Công báo chính thức EU vào tháng 5 hoặc tháng 6-2024. 

Phát biểu trước các nghị sĩ, nghị sĩ Italy Brando Benifei, người đã thúc đẩy việc thông qua dự luật này tại EP, nhấn mạnh đây là dấu mốc lịch sử trên con đường dài phê chuẩn các quy định về AI. Ông nhận định đây là quy định đầu tiên trên thế giới vạch ra lộ trình rõ ràng hướng tới sự phát triển AI an toàn và lấy con người làm trung tâm. Trong khi đó, nghị sĩ Romania Dragos Tudorache cho rằng các nhà lập pháp châu Âu đã nỗ lực cân bằng giữa lợi ích đổi mới và lợi ích được bảo vệ. 

Trong khi đó, Ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của EU Thierry Breton hoan nghênh sự ủng hộ mạnh mẽ của EP đối với Đạo luật về AI của khối liên minh này. Ông nhấn mạnh châu Âu hiện là nơi đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu về AI đáng tin cậy. 

Theo dự luật, EC đề xuất thiết lập bộ tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: Rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp. Những trường hợp không tuân thủ các quy định có thể bị phạt tối đa 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. EP cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI, một cơ quan mới của EU để hỗ trợ việc áp dụng hài hòa đạo luật AI, cung cấp hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.

Các quy định liên quan đến các mô hình AI như ChatGPT sẽ có hiệu lực 12 tháng sau khi dự luật chính thức được ban hành, trong khi các công ty phải tuân thủ hầu hết các quy định khác trong 2 năm.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, các nước thành viên EU đã thông qua dự luật AI trên sau khi nhất trí về thỏa thuận chính trị vào tháng 12 năm ngoái.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN