Nghị định mới về nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

12/06/2012 - 15:00
Hỗ trợ thay đổi thiết bị mới trong sản xuất kẹo dừa xuất khẩu. Ảnh: H.Hiệp

Ngày 21-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45 về khuyến công, thay thế Nghị định số 134 ngày 9-6-2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Sự ra đời của Nghị định 134 là một bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Nhà nước có thể trực tiếp tác động nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp. Sau 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định 134 đã giúp Việt Nam hình thành khung pháp lý về khuyến công từ Trung ương đến địa phương và hệ thống tổ chức khuyến công cơ bản hoàn thiện.

Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Bến Tre đã thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN). Đây là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương, trực tiếp triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện có cán bộ phụ trách về công tác khuyến công thuộc các Phòng Kinh tế và Hạ tầng. Hầu hết các cán bộ từ tỉnh đến huyện đều được trang bị kiến thức nhất định về hoạt động khuyến công. Đến nay, hoạt động khuyến công đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã được hỗ trợ về vốn để đầu tư máy móc thiết bị, được tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành, hỗ trợ đào tạo tay nghề cho công nhân, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Nhìn chung, các hoạt động khuyến công dần đi vào nề nếp, ngày càng nâng cao hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu của quá trình phát triển sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh nhà. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động khuyến công nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ngày 21-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45 về khuyến công. So với Nghị định số 134 thì Nghị định 45 có một số điểm mới, cơ bản như sau:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng: Nghị định bổ sung thêm các cơ sở công nghiệp có đầu tư tại các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Bến Tre đều là đối tượng được xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công. Đồng thời, Nghị định này đặc biệt ưu tiên cho hoạt động sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp, cụ thể là tất cả các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp lớn), hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh khi áp dụng SXSH đều là đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nghị định. Đây là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1419 ngày 7-9-2009.

Thứ hai, về nội dung: Đối với hoạt động đào tạo nghề, Nghị định nhấn mạnh công tác tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề phải theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp. So với Nghị định số 134, Nghị định này bổ sung thêm nội dung “Hợp tác quốc tế về khuyến công”. Theo đó, hoạt động khuyến công có thể xây dựng và tham gia các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế về khuyến công, SXSH; cán bộ làm công tác khuyến công có thể khảo sát, học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, bổ sung nguyên tắc ưu tiên về địa bàn và ưu tiên về ngành, nghề.

Thứ tư, về tổ chức hệ thống khuyến công: Ở địa phương, hệ thống khuyến công được triển khai thực hiện ở 3 cấp: Cấp tỉnh có Trung tâm Khuyến công trực thuộc Sở Công Thương; cấp huyện, thành lập chi nhánh trực thuộc Trung tâm Khuyến công; cấp xã, thành lập mạng lưới cộng tác viên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5-7-2012.

Đông Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN