Nghề làm bún ở Mỹ Lồng

20/06/2012 - 07:47

Nhắc đến Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh - Giồng Trôm), người ta đều nghĩ ngay đến nghề làm bánh tráng, loại bánh mang đặc trưng của hương vị xứ dừa. Ngoài món bánh tráng béo, thơm, Giồng Trôm còn một nghề truyền thống nữa cũng góp phần tạo thương hiệu cho quê hương, đó là nghề làm bún.

Một công đoạn làm bánh phở. Ảnh: P.T

 

Được sự giới thiệu của các tiểu thương, chúng tôi đến Mỹ Lồng vào một buổi trưa, trong lúc các cơ sở sản xuất đang làm bún để chuẩn bị bán và bỏ mối cho các chợ tại TP. Bến Tre và Tiền Giang. Trải dài hai bên đường từ cầu Chẹt Sậy đến chợ Mỹ Lồng, có rất nhiều cơ sở làm bún và hủ tiếu. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất bún của anh Phạm Văn Vũ, ở ấp Nghĩa Huấn, một trong những cơ sở sản xuất bún lớn nhất tại vùng này. Anh cho biết, anh lập gia đình vào năm 1987, sau đó về sinh sống tại quê vợ (nơi đây) và nối nghiệp nhà vợ làm nghề này hơn 20 năm nay. Trước đây, cơ sở của anh sản xuất mỗi ngày khoảng 2 đến 3 tấn bún, cung cấp cho các chợ trong tỉnh và Tiền Giang. Hiện nay, giá cả một số mặt hàng nông sản xuống thấp làm cho người dân tiết kiệm hơn trong sinh hoạt, nên sản xuất kinh doanh cũng bị ảnh hưởng. Trước đây, cơ sở có 20 công nhân nhưng hiện nay chỉ còn 10 công nhân, sản xuất mỗi ngày khoảng 800 ký đến 1 tấn bún và phải làm cùng một lúc 3 mặt hàng bún, bánh phở, bánh hỏi. Anh cho rằng có như vậy mới giữ được nghề và sản xuất được trong giai đoạn hiện nay. Anh kể, để có được sợi bún khô, trong, dai phải trải qua nhiều công đoạn nhưng công đoạn quan trọng và tạo được thương hiệu là chọn gạo. Gạo phải đẹp, trắng, khô, mua về ngâm gạo trong 2 ngày, sau đó xay, lọc bỏ nước, lấy bột khô. Với phần bột khô vừa có, anh bỏ vào thùng trộn bột nhưng lưu ý trong lúc trộn nên thêm nước để bột không khô, không nhảo; có như vậy sợi bún mới đều, mềm, mịn và đẹp. Sau công đoạn sơ chế, anh đổ bột vào máy để ép bún xuống nồi nước sôi được đặt sẵn bên dưới, bún sẽ chín. Anh Vũ cho biết thêm, ngày trước, do chưa cải tiến kỹ thuật, chủ yếu làm thủ công nên chất lượng bún không cao, dễ bị hư, làm cho cơ sở bị thua lỗ thường xuyên. Trong những năm gần đây, các cơ sở sản xuất tại địa phương đã trang bị máy từ khâu xay bột, đánh bột đến ép bún đều làm bằng máy. Nếu làm thủ công, mỗi giờ được vài ký bún thì nay mỗi giờ máy sẽ làm từ 60 đến 80 ký bún. Về kỹ thuật để tạo nên thương hiệu bún trên thị trường như hiện nay, anh Vũ cho biết: Bí quyết để có thương hiệu bún Mỹ Lồng là nhờ gạo. Chỉ có gạo trồng trên vùng đất Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri làm bún mới ngon, dẻo, còn gạo của các địa phương khác làm ra sợi bún bở, dính tay, dễ hư, bình quân một ký gạo tại địa phương sẽ làm được 1,5 đến 1,8 ký bún. Hiện nay, có rất nhiều thương lái từ các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đến Bến Tre mua gạo mang về làm bún để có được chất lượng bún như Bến Tre.

Nghề làm bún, một nghề truyền thống cần được tiếp tục giữ gìn và phát huy, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân thì phát triển nghề làm bún còn nhằm đưa thương hiệu của địa phương vươn xa hơn trên thị trường.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN