Những năm qua, số lượng tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng dần, nhất là ở hai huyện biển Ba Tri và Bình Đại. Nghề đóng tàu đánh bắt xa bờ đã phát triển mạnh, thu hút nhiều người lao động. Chủ cơ sở đóng tàu ngoài yêu cầu có vốn đầu tư lớn, còn phải là người dày dạn kinh nghiệm, thu hút được các thợ giỏi để làm nên sản phẩm hài lòng khách hàng. Hiện tại, để đóng được một cặp tàu đánh bắt xa bờ (công suất khoảng 900cv/chiếc) và trang bị ngư cụ, nhiên liệu ra khơi đánh bắt, cần số vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.
Đóng tàu tại cơ sở Thanh Nguyên.
Làm giàu từ nghề đóng tàu “cha truyền con nối”
Ông Hồ Văn Trạng (Chín Trạng), chủ cơ sở đóng tàu Thanh Nguyên, xã An Thủy (Ba Tri) làm nghề mộc “cha truyền con nối” đã hơn 30 năm tuổi nghề. “Lúc tôi ở tuổi mười bốn, mười lăm đã xách đồ nghề theo cha đi đóng xuồng, ghe mướn. Lớn lên, tôi đi đóng ghe thuê cho chủ. Năm 2001, tôi đăng ký thành lập cơ sở đóng tàu, mua gỗ ở các tỉnh khác về đóng tàu, ghe bán cho khách và mở rộng cơ sở cho tới nay”, ông Trạng kể.
Cơ sở đóng tàu của ông có diện tích khoảng 3.000m2, nằm sát rạch Bà Hiền (xã An Thủy). Lúc chúng tôi đến, nơi đây đang thi công 3 tàu đánh bắt xa bờ cho khách hàng. Mỗi ngày, bình quân có khoảng 10 thợ mộc thường xuyên làm việc. Những lúc vào vụ, chủ cơ sở phải mướn thêm nhân công. Hàng ngày, ông Trạng quản lý chung và phân công, quản lý thợ theo nhóm. Ông cho biết: “Tôi giao công việc cho anh em và đặt niềm tin vào họ. Đổi lại, anh em thợ cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao”. Thông thường, để đóng một tàu với công suất khoảng 700cv đến 750cv (cao từ 3,5m đến 3,7m, ngang 6,2m, dài 24,5m) thì thời gian thi công khoảng 3 đến 4 tháng, tiêu tốn khoảng 130 đến 140m3 gỗ, tiền công thợ (theo thời điểm hiện tại) khoảng 180 triệu đồng. Lúc hoàn chỉnh (chưa kể máy móc, ngư cụ, nhiên liệu…), mỗi vỏ tàu với công suất như trên có giá từ 1,8 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng, tùy theo chất lượng cây.
Hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, chí thú làm ăn, ông Hồ Văn Trạng đã trở nên khá giả và tích cực đóng góp, hỗ trợ xã An Thủy xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương. Ông Trạng tâm sự: “Tôi gắn bó với nghề, yêu nghề và luôn mong muốn sản phẩm mình làm ra đạt chất lượng tốt, góp phần giúp ngư dân ra khơi đánh bắt trúng vụ, thu lãi cao”. Chính nhờ vào điều tâm huyết này mà mỗi năm, cơ sở Thanh Nguyên xuất xưởng hơn 10 sản phẩm mới. Căn nhà của ông Trạng đầu tư xây dựng (hơn 3 tỷ đồng) sắp sửa hoàn thành cũng nhờ vào số tiền tích lũy qua nhiều năm bằng nghề đóng tàu thuê.
Tại xã An Thủy, hiện còn có các cơ sở đóng tàu của các ông: Hai Thành, Bảy Hiểu, Năm Thọ, Chín Hồng… cũng đang góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm, nâng số lượng tàu đánh bắt xa bờ của huyện Ba Tri ngày càng nhiều hơn.
“Chính phủ rất quan tâm đến hoạt động khai thác, đánh bắt xa bờ của nhân dân và đang có những dự thảo, quy định về việc hỗ trợ trong lĩnh vực này. Theo thẩm quyền và chức năng, Chi cục sẽ kiến nghị về trên tạo điều kiện giúp đỡ ngư dân được hưởng những chế độ ưu tiên”.
(Ông Cao Văn Viết - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn
lợi thủy sản Bến Tre) |
“Chọn mặt gửi vàng” khi đóng tàu đánh bắt xa bờ
Địa bàn huyện Bình Đại có 5 cơ sở đóng tàu lớn: xã Bình Thắng (2), xã Bình Thới (2) và Thị trấn (1). Trong số này, cơ sở đóng tàu Vạn Tiến (ấp 3, xã Bình Thới) tập trung khá nhiều khách hàng. Ông Đỗ Hoàng Lý – chủ cơ sở cho biết: “Chúng tôi đang thi công 6 chiếc, trong đó có 4 chiếc gần hoàn thành và có hai chiếc mới vừa định hình”. Theo ông Lý, hàng năm, cơ sở xuất xưởng khoảng 15 chiếc mới và sửa chữa vài chiếc theo yêu cầu của khách hàng. Với mặt bằng rộng, thuận tiện cả đường bộ lẫn đường sông, ông Lý thực hiện nhiều dịch vụ: đóng mới, sửa chữa tàu; bán gỗ; cho thuê mặt bằng.
Trong số thân chủ của ông Lý có anh Phạm Ngọc Bình, chủ tàu Vạn Thành (xã Bình Thắng, Bình Đại), chủ của 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ (một cặp cào đôi, một chiếc lẻ). Hiện, anh đang đóng thêm một tàu công suất lớn 900cv (trọng tải khoảng 100 tấn). Anh Bình tâm sự: “Theo tôi biết, Bình Đại có nhiều cơ sở đóng tàu và có nhiều thợ mộc giỏi. Tháng 3-2012, sau khi chuẩn bị đủ về tài chính (khoảng 5 tỷ đồng), anh Bình chọn cơ sở Vạn Tiến, thuê người thợ chính (thợ cái) tên Nguyễn Văn Quới thi công. Trước đây, anh Bình đã có thuê ông Quới đóng tàu và hoạt động thấy có hiệu quả nên anh tiếp tục hợp đồng với ông Quới. Hàng ngày, đích thân anh Bình theo dõi quá trình thi công.
“Trong lúc đóng tàu, người thợ phải cẩn thận từng chi tiết một, vì mỗi một bộ phận trên tàu đều quan trọng, quyết định cho chất lượng, độ bền, tuổi thọ con tàu”, thợ mộc Nguyễn Văn Quới bộc bạch. Sau khi chủ tàu chọn loại cây thích hợp (sao, căm xe, sến…), thợ mộc sẽ lần lượt thi công các khâu: định vị lô mũi (lái), làm khung tàu, đóng áp vô (ra), thả then, phân khoang, làm ca-bin, đóng be… thời gian thi công hoàn chỉnh vỏ tàu khoảng 5 tháng. Sau khi tàu hạ thủy và chủ đã chọn động cơ thích hợp (đối với tàu công suất 900cv, loại máy được dùng phổ biến là MITSUBISHI S6R, trị giá khoảng 1,3 tỷ đồng), thợ mộc sẽ thực hiện việc lắp ráp… Quá trình đóng tàu, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bến Tre tiến hành nhiều đợt kiểm tra kỹ thuật của con tàu, từ lúc bắt đầu định vị lô tàu cho đến khi hạ thủy, chạy thử.
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến cuối tháng 5-2012: toàn tỉnh có 4.193 phương tiện khai thác thủy sản các loại; trong đó, có 1.787 tàu có công suất từ 90cv trở lên, có 1.747 tàu đánh bắt xa bờ, tập trung chủ yếu ở huyện Ba Tri (1.129 chiếc) và Bình Đại 592 chiếc. Mỗi năm, số lượng tàu khai thác, đánh bắt xa bờ trong tỉnh đều tăng (bao gồm đóng mới và cải hoán). Hiện tại, ngành thủy sản phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã vùng biển đang vận động nhân dân hành nghề khai thác, đánh bắt thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển để tạo sự liên kết cùng nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, an ninh quốc phòng trên biển. Chủ trương này đã được nhiều người hưởng ứng tích cực. Tuy nhiên, để việc vận động này đạt hiệu quả cao, ngành chức năng cần sớm ban hành các văn bản quy định về việc hỗ trợ cho ngư dân khai thác, đánh bắt xa bờ hoạt động theo mô hình thành lập tổ, đội sản xuất.