Nghề bó chổi ở Mỹ An cần tiếp tục trợ vốn

22/11/2012 - 17:19
Chị Tuyết cùng bó chổi với nhân công để góp phần tăng nhanh số lượng sản phẩm phục vụ khách hàng.

Nghề bó chổi ở xã Mỹ An (Thạnh Phú) đã  giải quyết việc làm cho nhiều lao động nghèo. Trong đó, có 10 hộ nghèo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hỗ trợ vốn.

Xã Mỹ An được tách ra từ xã Mỹ Hưng vào năm 2001. Theo đó, nghề bó chổi ngày càng phát triển cùng với sự đi lên của xã. Chổi Mỹ An, gần như có thương hiệu và đang có mặt tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Toàn xã Mỹ An, hiện có 2.226 hộ, trong  đó 1.103 hộ tham gia bó chổi với hơn 2.200 người nghèo. Mỗi ngày, một người bó chổi kiếm được ít nhất 40.000 đồng, người làm giỏi được 120.000 đồng. Giá bó chổi thuê là 1.200 đồng/cây, mỗi ngày mỗi người bó từ 40 - 100 cây.

Ở Mỹ An hiện có 531 hộ nghèo, tất cả đều tham gia bó chổi gia công. Trong đó, có 10 hộ được Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ thí điểm 5.040.000 đồng/hộ để mua nguyên liệu về bó chổi. Số vốn này được Sở LĐ-TB-XH hỗ trợ cho hai hình thức: sản xuất với quy mô hộ gia đình và sản xuất với quy mô cơ sở. Trong 10 hộ nghèo được trợ vốn có 3 hộ bó chổi với quy mô cơ sở (mỗi tháng bó khoảng 10.000 cây).

Hộ chị Trần Thị Tuyết, một trong ba hộ được trợ vốn, còn đang nợ vốn vay bên ngoài hàng chục triệu đồng. Nợ này do đầu tư nguyên liệu để bó chổi và thuê mướn nhân công. Có được số vốn 5.040.000 đồng của Bộ LĐ-TB&XH từ năm 2010 đến nay, chị Tuyết cảm thấy an tâm hơn trong sản xuất. “Tôi phải vay tiền bên ngoài để mua cọng dừa nguyên liệu (khoảng 20 triệu đồng). Mỗi tháng xuất đi hơn 6.000 cây chổi, thu về khoảng 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lời hơn 6 triệu đồng” - chị Tuyết phấn khởi. Gia đình chị Tuyết không có đất canh tác, sống chủ yếu nhờ nghề bó chổi đã gần 20 năm. Chị Tuyết xây dựng cơ sở bó chổi được 10 năm. Sản phẩm chổi của chị đang có bán tại thị trường: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang...

Cũng trong 10 hộ nghèo được hỗ trợ vốn, có 7 hộ nhận vốn để bó chổi với quy mô gia đình (mỗi tháng bó khoảng 2.000 cây chổi).

Anh Phan Văn Tiến, ở ấp Thạnh Mỹ (1 trong 7 hộ bó chổi với quy mô gia đình) cho biết, nếu cố gắng bó từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều sẽ được 70 cây, mỗi ngày kiếm được hơn 70 ngàn đồng. Từ khi có hơn 5 triệu đồng hỗ trợ, tôi mua nguyên liệu về bó chổi để bán. “Sau khi trừ chi phí mỗi tháng tôi thu về hơn 2 triệu đồng. Như vậy, nếu nhà có 3 lao động thì mỗi tháng thu lợi nhuận hơn 6 triệu đồng. Nếu cả năm, sẽ thu lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Tôi thấy sự hỗ trợ vốn rất hiệu quả” - anh Tiến không giấu được niềm vui.

Nói về nghề bó chổi ở Mỹ An, ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi kết thúc Dự án, nếu  đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định, 3 hộ sản xuất với quy mô cơ sở có khả năng mở rộng quy mô sản xuất, thuê mướn thêm lao động để sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Năm 2011, Mỹ An đã nhân rộng thêm một mô hình bó chổi với 10 hộ nghèo, mô hình này đang phát triển tốt. Dự kiến, sau khi kết thúc Dự án những hộ được Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ vốn, có đủ khả năng thành lập tổ hợp tác, tổ tương trợ để giúp các hộ khác thoát nghèo bền vững.

Để người nghèo bó chổi ở Mỹ An thoát nghèo bền vững, chính quyền xã Mỹ An kiến nghị: “Sở LĐ-TB&XH trong những năm tới, nên đầu tư cho mỗi ấp có một mô hình với 10 hộ nghèo bó chổi được trợ vốn. Sở cần mở rộng vốn hỗ trợ để người nghèo an tâm bó chổi”.

Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết. Năm 2011, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ vốn cho người nghèo bó chổi. Nguồn vốn này mang lợi ích khá thiết thực cho người dân Mỹ An. Mục đích chính trước mắt, là giúp người nghèo Mỹ An thoát nghèo một cách bền vững.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN