Ngày xuân… hát sắc bùa Phú Lễ

06/02/2018 - 15:15

BDK - Cũng giống như nhiều địa phương trên đất phương Nam, ngay từ buổi đầu khai khẩn đất hoang, lập làng, lập ấp… người dân Bến Tre ngoài tinh thần cần cù lao động còn tạo dựng nên một đời sống văn hóa tinh thần vô cùng phong phú.

Đội hát sắc bùa xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm. Ảnh: Tấn Hà

Thông qua lao động, nhiều thế hệ người Bến Tre đã chế tác nên các loại hình dân ca mang đậm chất đặc thù Nam Bộ như: hò, lý, hát ru, hát sắc bùa và nói thơ Lục Vân Tiên. Từ những làn điệu dân ca mộc mạc nhưng đầy ắp chữ tình đã giúp cho cuộc đời người nông dân miền sông nước châu thổ sông Cửu Long thêm niềm vui trong lúc nông nhàn hay vào dịp xuân về, Tết đến. Câu chuyện “Hát sắc bùa Phú Lễ” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã để lại cho chúng ta những thông điệp sống động trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của người xưa.

Độc đáo “Hát sắc bùa Phú Lễ”

Ở Bến Tre, nói đến hát sắc bùa là người ta nhớ về hát sắc bùa ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, đây là nơi được xem là cái nôi về hát sắc bùa Nam Bộ. Hát sắc bùa là một sinh hoạt văn nghệ dân gian có tính chất lễ nghi nông nghiệp pha trộn với pháp thuật đạo giáo, xua quỷ trừ ma - tống cũ rước mới. Hình thức diễn xướng mang tính tập thể, tức là có xướng, có xô, có nhạc cụ phụ họa và phách nhịp rõ ràng.

Theo tài liệu của nhà nghiên cứu dân gian Lư Văn Hội - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh thì: Hát sắc bùa ở xã Phú Lễ ra đời vào khoảng giữa cuối thế kỷ XVIII, do ông Trần Văn Hậu là con rể ông Hồ Đức Quang, người làng Phú Lễ, khởi xướng. Ông Hậu khi đó có thời gian làm quan ở Bình Định, thấy hát sắc bùa hay, có nhiều ý nghĩa nên đã mang về dạy cho nhân dân trong làng cùng học. Tiêu chuẩn bắt buộc để lập một đội hát sắc bùa phải có từ 4 thành viên trở lên và do một ông bầu chỉ huy. Thông thường, các thành viên trong đội phải vừa là nhạc công vừa kiêm luôn ca sĩ. Nhạc cụ của đội nếu là 4 thành viên thì có một trống cơm, một đờn cò và một sanh tiền, một sanh cái; nếu số lượng thành viên trong đội đông hơn thì sẽ thêm sanh tiền, sanh cái.

Một cuộc hát sắc bùa gồm có ba phần: phần nghi lễ, phần hát chúc phúc, chúc nghề giúp vui và phần kết thúc là giã từ gia chủ. Thời gian hoạt động chỉ duy nhất vào dịp cận Tết Nguyên đán. Đội hát vừa đi vừa gõ trống kéo đờn… đến từng nhà trong làng, nếu gia chủ mở cửa thì vào dán bùa nơi cửa nhà, niệm thần chú rồi nổi trống phách, ca xướng những lời chúc mừng như: “Năm mới giàu sang, Gia quan tấn lộc” hoặc “Năm mới giàu sang, Gia quan tấn tước…”. Về phần gia chủ thì đáp lại bằng việc dọn cỗ bàn chè rượu khoản đãi và biếu một ít tiền thưởng. Xong nhà này, cả đội lại kéo sang nhà khác và làm như vậy cho đến buổi trừ tịch của năm mới thì thôi.

Cái hay của hát sắc bùa là nội dung bài chúc không chỉ gói gọn ở một vài nghề nông mà rất đa dạng. Ví như gia chủ có nghề làm ruộng thì có bài chúc về cây lúa, gia chủ có nghề thợ xây thì có bài chúc về thợ hồ, nếu là nghề đương đan thì có bài về đan lát… Nhờ đáp ứng được nhu cầu tâm linh của từng hoàn cảnh gia chủ riêng biệt nên thời gian đầu các đội hát sắc bùa hoạt động khá sôi nổi và đắt sô.

Đến bây giờ, ở Phú Lễ, người ta vẫn còn nhắc đến nhiều cái tên nghệ nhân như: các cụ Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chấn, Thái Văn Cấu… Do nhiều yếu tố, đến những năm 1970, hát sắc bùa ở Phú Lễ bị gián đoạn, các đội hát tự giải tán trong sự nuối tiếc của nhiều người.

Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Trước thực trạng nhiều loại hình dân ca dân gian đang bị mai một, mất dần chỗ đứng trong đời sống hiện tại thì năm 1998, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, Sở Văn hóa - Thông tin, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã phân công ông Lư Văn Hội triển khai thực hiện Dự án “Diễn xướng sắc bùa Phú Lễ”. Nhiệm vụ của ông là tiến hành khảo sát điền dã, tiếp cận nghệ nhân thu thập tài liệu, tổ chức tập dượt xây dựng kịch bản, tổ chức ghi hình, đảm bảo thực hiện 4 loại văn bản về di sản văn hóa phi vật thể gồm: báo cáo khoa học; ghi hình tư liệu, thu tiếng và album ảnh.

Đề án là vậy, nhưng khi triển khai, bản thân ông gặp vô vàn khó khăn, tài liệu từ nội dung đến hình thức hát sắc bùa đều không có sẵn. Muốn biết ngọn nguồn về loại hình âm nhạc cổ này, cách duy nhất là ông phải về Phú Lễ “cùng ăn, cùng ở” với người dân để tìm tòi và học hỏi. Ròng rã hơn 10 năm trời cộng với hàng trăm chuyến đi thực tế điền dã, ngoài ra còn có sự giúp đỡ tận tình của Giáo sư Nguyễn Chí Bền - nhà nghiên cứu dân gian, vợ chồng nhà thơ Lư Nhất Vũ - Lê Giang… ông Hội mới có đủ cứ liệu để làm báo cáo.

Bước đầu mới đạt ở phần số liệu, vẫn còn thiếu ở phần ghi hình tư liệu, nên vào năm 2010, chính ông đã tổ chức thành lập một đội hát sắc bùa. Đội có 4 người gồm: Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Đấu, Nguyễn Văn Đúng và ông Lư Văn Hội. Hàng tuần, vào ngày Chủ nhật, toàn đội gom lại nhà ông Hội để tập dượt rồi tự biên tự diễn… Đội hát của ông hoạt động trên tinh thần tự nguyện, thù lao được nhận chỉ là niềm đam mê nhạc cổ. Sau này, khi đã tinh thông nhạc cụ, ca từ… đội hát của ông Hội có đi biểu diễn nhiều nơi, rồi được ghi âm, ghi hình và phát trên sóng các đài phát thanh và truyền hình trong và ngoài tỉnh. Qua đó, đã nhận được sự quan tâm của một bộ phận công chúng.

Đến năm 2015, ông Hội chính thức hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tại địa phương để chuyển ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét. Tuy nhiên, hồ sơ bị trả lại bởi một nguyên do khá hài hước đó là hồ sơ do ông chấp bút bị người không có chuyên môn về hát sắc bùa chỉnh sửa. Gần một năm sau, ông Hội cùng cộng sự phải làm lại hồ sơ một lần nữa. Ngày 23-1-2017, Hát sắc bùa Phú Lễ chính thức được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia.

Có thể nói, từ ngày được công nhận là di sản quốc gia đến nay, phong trào hát sắc bùa ở Bến Tre đã có những chuyển biến tích cực. Hiện đã có nhiều đội hát được thành lập mới, qua đó góp phần giữ gìn, làm phong phú thêm văn hóa truyền thống đặc sắc tỉnh nhà.

Phan Tấn Hà

Phan Tấn Hà

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN