Ngày khai quốc và sự nghiệp “trăm năm trồng người”

29/08/2011 - 07:44

Ngày 2-9 là ngày Quốc khánh của đất nước. Ngày này 66 năm về trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chỉ mấy ngày sau đó, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn dân tham gia ngày khai trường đầu tiên, đánh dấu mốc son của nền giáo dục Việt Nam trong chế độ mới. Cách mạng tháng Tám thành công không chỉ làm thay đổi vận mệnh dân tộc, số phận người lao động, mà còn làm đổi thay sự nghiệp văn hóa, giáo dục của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lúc ra đi tìm con đường cứu nước (năm 1911) cho đến khi qua đời, Người luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đã 100 năm qua kể từ sự kiện lịch sử quan trọng ấy, nền giáo dục Việt Nam đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng, đào tạo ra nhiều thế hệ tuổi trẻ yêu nước, anh dũng, sáng tạo, sẵn sàng xả thân vì nền độc lập tự do của dân tộc, hòa bình cho Tổ quốc và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tên tuổi và sự tích oai hùng của bao anh hùng liệt sĩ quê Bến Tre như Trần Văn Ơn, Lê Anh Xuân, Hoàng Lam, Nguyễn Văn Tư, Ngô Văn Cấn… còn vang vọng, là niềm tự hào, thúc giục học sinh, sinh viên, thanh niên quê hương Đồng Khởi hôm nay trên đường học tập, chinh phục những đỉnh cao tri thức, khoa học, lập thân, lập nghiệp và cống hiến xây dựng đất nước giàu, mạnh.

Ở Việt Nam, truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn” đã trở thành một giá trị trong văn hóa dân tộc. Nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động học của học sinh được đúc kết ngắn gọn, thâm thúy. Cụ thể như: mục tiêu của việc học là “Học để nên người”, nội dung của sự học cũng rất phong phú “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “học khôn”. Về cách học, cha ông ta đúc kết, phải “Học hỏi”- học thông qua hỏi, vấn đáp, đối thoại, “Học hành”- học gắn liền với thực hành, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”- học trong thực tiễn đời sống, “Không thầy đố mày làm nên”- học thầy, “Học thầy không tày học bạn”. Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Quan điểm, phương châm học tập của Người là “cách học tập: lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”.

Tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là tập trung đào tạo người có đức, có tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh, thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Nhiều cán bộ cách mạng đã có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng bắt đầu từ việc thực hiện lời dạy của Người về việc học. Khoảng giữa tháng 5-1946, khi đồng chí Nguyễn Thị Định cùng đồng đội vượt biển ra Bắc xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, đã vinh dự được gặp Bác Hồ và được Bác căn dặn: “Người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế. Người không học thì như đi ban đêm không có đèn, không có gậy, dễ vấp té…”.

Hồ Chủ tịch không những quan tâm nội dung giáo dục trẻ mà còn chú ý đến cách dạy trẻ. Thầy cô giáo là người khai tâm, khai đức cho học sinh về tình yêu Tổ quốc, nghĩa đồng bào, tinh thần kỷ luật, về sức mạnh đoàn kết hợp tác tập thể. Người cũng lưu ý trong khi dạy trẻ cần giữ được toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, hồn nhiên của trẻ em, không nên tạo áp lực để trẻ “hóa ra già cả”, phải có phương pháp giáo dục khoa học để trẻ có niềm vui trong học tập, hoạt động xã hội vì cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh, sự nghiệp GD&ĐT của địa phương có những chuyển biến tích cực trên mọi phương diện. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng, chương trình kiên cố hóa trường lớp được triển khai đồng bộ, đặc biệt ở vùng nông thôn, trình độ học tập, đạo đức của học sinh các cấp từng bước được nâng lên, tỉ lệ học sinh giỏi tăng, nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng… Tuy nhiên, đội ngũ thầy cô giáo và các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều lo lắng trăn trở về tình trạng một số nội dung, chương trình học còn quá tải, hiện tượng dạy thêm, học thêm vẫn còn nhiều, tỉ lệ trẻ em bỏ học tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao. Nhiều nội dung, kỹ năng sống của học sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Năm học mới 2011-2012, toàn ngành GD&ĐT Bến Tre sẽ triển khai thực hiện bốn nội dung trọng tâm: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các phong trào: xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tham gia các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Điểm mới trong năm học này là các cấp học nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về điều chỉnh nội dung dạy học các môn cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông theo hướng tinh giảm nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế. Về cơ sở vật chất, bắt đầu từ năm học này, các trường sẽ thực hiện Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh ở các bậc học…

Triết lý giáo dục thế kỷ XXI là học tập suốt đời. Năng lực học suốt đời dựa vào học cách học, kiên trì bốn trụ cột của giáo dục: học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau, học để làm người. Xây dựng một xã hội học tập với hai thành phần chính là giáo dục trong nhà trường và giáo dục ngoài nhà trường. Tạo điều kiện cho mọi người học thường xuyên, học suốt đời trên cơ sở học và vận dụng cách tự học. Dù máy móc và các phương tiện sử dụng công nghệ thông tin hiện đại đến đâu vẫn không thể thiếu vai trò chủ đạo của thầy cô giáo. Thầy cô giáo chính là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục, khai tâm, khai đức, khai trí cho thế hệ trẻ, tiếp tục sự nghiệp “Trăm năm trồng người” để thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lễ khai trường đầu tiên khi nước nhà mới độc lập, “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Thanh Chiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN