Bến phà Tân Phú thông báo tạm ngừng hoạt động từ ngày 1 đến 15-4-2020. Ảnh: Thu Hiền
Vào đề anh bạn tôi nói: “Câu chuyện Covid-19 giờ không còn của riêng ai, không người nào, gia đình nào, địa phương nào, quốc gia nào đứng ngoài cuộc. Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Chỉ thị số 16 về việc cách ly toàn xã hội từ ngày 1-4 đến 15-4-2020; ngày 1-4-2020, Thủ tướng ký, ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Tôi thấy người dân có sự đồng lòng, hưởng ứng rất tốt, bằng chứng là các hàng quán không thiết yếu (quán ăn, quán cà phê, dịch vụ bi da, game...) đều đã đóng cửa, phần lớn người dân ở nhà, ngoài đường xe cộ thưa thớt, người dân đi lại đều có khẩu trang... Vậy là quá hay! Mong cho thời gian 15 ngày sớm qua mau, để tình hình có thể vãn hồi. Với đà này, nước mình cầm lấy chiến thắng trong tay”.
Tôi chậm rãi tham gia: “Mừng thì có mừng, nhưng lo vẫn rất lo. Mừng vì có sự chỉ đạo, vào cuộc rất quyết liệt của lãnh đạo các ngành, các cấp, từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo tỉnh, huyện, xã. Theo tôi được biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng đã ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng chống dịch Covid-19. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bằng trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình để sát cánh cùng nhân dân, chính quyền, tổ chức Đảng, đoàn thể các cấp trong cuộc chiến đấu phòng chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam. Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thì nói: “Chúng ta phải lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi, phải tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra... Đặc biệt, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến người nghèo, người thất nghiệp, người yếu thế do bị ảnh hưởng của dịch bệnh và đã công bố gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội với số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng cho các đối tượng thụ hưởng; mặt khác là sự tin tưởng, chấp hành, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong cả nước đồng lòng “chống giặc Covid-19”, nhất là trong thực hiện các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền, các cơ quan chức năng; tích cực ủng hộ, đóng góp bằng nhiều hình thức vào Quỹ phòng chống dịch và số tiền này đang tăng lên từng giờ...”.
Thấy tôi trầm ngâm, dừng lại, anh bạn hỏi: “Vậy anh lo điều gì?”. Tôi đáp: “Tôi lo là tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong xã hội có người vầy, người khác, do trình độ, ý thức, nhận thức khác nhau, nên bên cạnh đa số người dân chấp hành tốt, vẫn còn những người ý thức rất kém, như trường hợp BN số 17, gần đây là BN số 178 chẳng hạn, hay trường hợp quán bar Buddha ở TP. Hồ Chí Minh là ví dụ. Bến Tre mình đang gặp phải “khó khăn kép”: vừa phải gồng mình chống giặc Covid-19, nhưng vừa phải đối phó với tình hình hạn mặn khốc liệt, thật tội cho người dân phải chen chúc đi nhận nước ngọt do các mạnh thường quân các nơi đến giúp. Cũng chính tình trạng này, cái cảnh người dân chen nhau lấy nước, làm tôi rất lo, vì sẽ không thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là không tụ tập nhiều người (trước đây là không quá 10 người, giờ là không quá 2 người), không giữ được khoảng cách 2m, có người không đeo khẩu trang... quan trọng nhất là không thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà... Đúng là “phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”, chưa kể tôi vẫn thấy một số người còn chủ quan: vẫn đi lại, di chuyển nhiều, tụ tập tập thể dục, một số quán cà phê vẫn còn đông người, có người đi ngoài đường nhưng không mang khẩu trang...”.
Anh bạn thốt: “Đúng là mừng thì mừng, nhưng cũng đáng lo thật. Vậy theo anh thì phải làm sao?”. Tôi đáp: “Tất nhiên là phải làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối với người dân do yêu cầu sinh hoạt phải đến khu vực nhận nước ngọt thì vận động họ phải đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách, về nhà phải thực hiện việc rửa tay khử khuẩn và các quy định khác; đối với những người cố tình không thực hiện đúng quy định thì phải kiên quyết giáo dục, thậm chí xử phạt, từ việc không chấp hành việc cách ly tại nhà, tụ tập đông người, ra đường không đeo khẩu trang, nhất là những người tung tin đồn vô căn cứ lên mạng, giật tít, câu like, tàng trữ, tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm nhằm mục đích vụ lợi... Có vậy chúng ta mới có thể an tâm vượt qua 15 ngày quyết định này”.
Anh bạn phấn khởi: “Anh nói làm tôi sáng ra nhiều điều. Lúc này ở nhà cũng chính là góp phần cho việc “chống giặc” Covid-19 thành công. Hôm nay là ngày Giỗ tổ, nhưng do dịch bệnh không thể tổ chức các hoạt động, nghi lễ như hàng năm, mỗi gia đình ở nhà làm một mâm cơm dâng lên tổ tiên, với lòng thành kính cầu mong các thế hệ tiền nhân phù hộ cho con cháu, cho nhân dân Việt Nam vượt qua đại dịch. Với truyền thống tương thân tương ái, đoàn kết một lòng, chung lưng đấu cật, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng trong phòng chống dịch Covid-19.
Nguyễn Văn Thâu