Triển khai các giải pháp công trình để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất của người dân.
Chuẩn bị từ đầu mùa khô
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh cho biết, ngay từ đầu mùa khô năm 2023-2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý hoạt động của các nhà máy nước, thực hiện tốt công tác chuẩn bị và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân, doanh nghiệp. Đo, kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn. Thực hiện phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt (hoặc độ mặn thấp) đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao. Vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống. Một số nhà máy nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện Ba Tri và Mỏ Cày Bắc đã thực hiện việc mua nước qua đồng hồ tổng từ các đơn vị cấp nước khác để phục vụ trong các thời điểm xâm nhập mặn tăng cao.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, tại nhà máy nước như: Tân Hào, Lương Phú, Phước Long (Giồng Trôm), Long Định (Bình Đại), Bình Khánh Đông (Mỏ Cày Nam).
Giải pháp phòng chống
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh, trước nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024, để ứng phó kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn, ngành nông nghiệp đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch. Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế. Khẩn trương hoàn thiện các giải pháp công trình tạm ngăn mặn, nhằm tích trữ tối đa nguồn nước ngọt trong các sông, kênh rạch, nội đồng trước khi bước vào thời kỳ đỉnh điểm xâm nhập mặn. Các địa phương triển khai phương án bảo vệ sản xuất cụ thể đối với từng khu vực theo kế hoạch, phương án đã xây dựng. Nhất là khu trồng cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc... Thường xuyên kiểm tra, quan trắc môi trường nước để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục ngay khi xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng rất mong nhận được sự ủng hộ của người dân, chia sẻ khó khăn chung trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Tích cực, khẩn trương vào cuộc cùng với chính quyền địa phương các cấp để thực hiện ngay các giải pháp phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 và những năm tiếp theo theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.
Tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nhân rộng các mô hình hay đã mang lại hiệu quả trong thời gian qua như: trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên mạng xã hội như Zalo, Facebook... Chủ động đắp đập tạm, bờ bao ngăn mặn cục bộ để bảo vệ sản xuất của hộ gia đình. Tự trang bị máy đo mặn để đo kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng hoặc mang mẫu nước đến các điểm đo mặn tập trung để kiểm tra trước khi tưới. Sử dụng phương tiện (sà lan, ghe, xe...) để vận chuyển nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Thực hiện sản xuất theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, không sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
“Thời gian qua, tỉnh được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương đầu tư xây dựng nhiều dự án, công trình thủy lợi và cấp nước quan trọng, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu cho cây trồng, phục vụ nuôi thủy sản và cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh vẫn chưa được khép kín như: Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre đầu tư còn dở dang. Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai... Do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt, điển hình như mùa khô năm 2019-2020, hạn mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Bài, ảnh: Trần Quốc