Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Hãng TASS đưa tin Nga đã bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn vaccine EpiVacCorona, do Trung tâm Nghiên cứu virus và công nghệ sinh học nhà nước Vector phát triển, vào tháng 11-2020. Trước đó, Nga đã cấp phép cho vaccine Sputnik V, với hiệu quả đạt 92%.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn thiết lập một cơ chế cho phép chia sẻ lượng vaccine chưa dùng đến (dự trữ) với các quốc gia láng giềng nghèo hơn và các nước ở châu Phi.
Phát biểu với các nghị sĩ châu Âu, Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides nói: "Chúng tôi đang phối hợp với các quốc gia thành viên để đề xuất một cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước ngoài EU".
Bà Stella nhấn mạnh rằng cơ chế này sẽ cho phép các nước nghèo hơn tiếp cận với nguồn vaccine trước khi cơ chế COVAX - chương trình chia sẻ vaccine trên toàn thế giới do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng, được vận hành đầy đủ.
Theo kế hoạch, EU sẽ ưu tiên chia sẻ vaccine cho các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất tại các nước ở khu vực Tây Balkan, Bắc Phi và Tây sa mạc Sahara.
Theo bà Stella, cơ chế COVAX hiện đã đi vào hoạt động nhưng cho đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vaccine. Tháng 12-2020, WHO thông báo đã đạt được thỏa thuận mua gần 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, nhưng phần lớn trong số vaccine này mới chỉ được cam kết bằng những thỏa thuận không ràng buộc với các hãng sản xuất vaccine vì hiện COVAX không có đủ tiền để đặt trước.
Một quan chức giấu tên của EU cho biết các nhà sản xuất dược sẽ không giao hàng nếu không có tiền đặt cọc trước.
Cho đến nay, EU - khu vực với 450 triệu dân, đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 công ty. WHO đã cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp phân phối không công bằng khi các quốc gia giàu có tích trữ quá nhiều.
Mặc dù vậy, WHO vẫn lạc quan việc phân phối vaccine theo cơ chế COVAX tới những nước nghèo và thu nhập trung bình sẽ bắt đầu ngay trong quý I-2021. COVAX đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3, có thể phân phối 135 triệu liều vaccine tới 92 nước thu nhập thấp và trung bình trong chương trình.
Nguồn: TTXVN