Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V

23/01/2021 - 21:58

Hãng Interfax đưa tin, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 23-1-2021 thông báo đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vaccine Sputnik V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Vaccine Sputnik V phòng COVID-19 của Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng Interfax đưa tin, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 23-1-2021 thông báo đã ký một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc sản xuất vaccine Sputnik V ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo RDIF - đơn vị chịu trách nhiệm tiếp thị vaccine Sputnik V ra nước ngoài, cơ quan này đã bắt đầu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, RDIF cũng đã ký hợp đồng sản xuất vaccine Sputnik V với các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Belarus và Kazakhstan.

Hiện RDIF đã nộp đơn đăng ký xin lưu hành vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến sẽ được xem xét vào tháng sau. Trong khi đó, nhiều nước như Hungary, Argentina, UAE đã cấp phép sử dụng loại vaccine này. 

Cùng ngày, Iran và Campuchia công bố chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong nỗ lực khống chế dịch bệnh. 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết quốc gia Trung Đông này sẽ triển khai chương trình tiêm chủng trong vài tuần tới, tuy nhiên ông không cho biết cụ thể loại vaccine được sử dụng tại Iran. Theo nhà lãnh đạo này, Iran sẽ cần tiêm chủng vaccine ngoại nhập cho đến khi có vaccine nội địa. 

 Từ tháng 12-2020, Tehran đã bắt đầu thử nghiệm trên người vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sản xuất trong nước. Iran hiện đang phát triển 3 loại vaccine tiềm năng có hợp tác với nước ngoài gồm Barekat, Pasteur và Razi. 

Ngoài việc tự phát triển vaccine, Iran cũng tham gia chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đảm bảo việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 công bằng tới các nước nghèo hơn. Tính đến nay, Iran ghi nhận 1.150 ca nhiễm và 57.000 ca tử vong do COVID-169. Số ca nhiễm mới và số ca tử vong ghi nhận trong ngày trong vài tuần qua đều theo chiều hướng giảm. 

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết dự kiến sẽ có khoảng 500.000 người dân nước này được tiêm chủng vaccine COVID-19 trước Tết năm mới Khmer trong tháng Tư tới. 

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, phát biểu trong buổi lễ khánh thành tòa nhà Bộ Giao thông-Công chính Campuchia hôm 22-1, Thủ tướng Hun Sen cho biết lô 300.000 liều vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) sẽ được chuyển tới Campuchia trong tháng 2-2021 và Bộ Y tế Campuchia sẽ tiến hành cuộc khảo sát để đánh giá có bao nhiêu người dân sẵn sàng tiêm chủng vaccine này. 

Nhà lãnh đạo Campuchia tái khẳng định rằng ông sẽ là người đầu tiên ở Campuchia chủng ngừa vaccine của Trung Quốc, và sẽ tổ chức cuộc họp báo ngay sau khi được tiêm tại Bệnh viện Calmette ở thủ đô Phnom Penh. Ông cho biết đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi thêm vaccine tới Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cho biết số vaccine nói trên do Chính phủ Trung Quốc tài trợ hoặc do Campuchia đặt mua. Trước đó, Campuchia đã đề nghị Ấn Độ cung cấp các loại vaccine Covaxin và Covashield do Ấn Độ sản xuất cho Campuchia. 

 Trong ngày 23-1, phát biểu tại hội nghị Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD) lần thứ 17 theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn khẳng định cam kết của Campuchia thực hiện chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ngừa COVID-19 và công bố kế hoạch phục hồi ngành du lịch. 

Cùng ngày, liên quan đến các quy định mới khi nhập cảnh Campuchia, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vadine cho biết kể cả những du khách đã chủng ngừa vaccine COVID-19 vẫn phải cách ly tập trung 14 ngày khi nhập cảnh vào Campuchia. Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vadine khẳng định việc làm này là nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan tại Campuchia.

Tính đến 7h sáng 23-1, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 456 ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, trong đó có 403 trường hợp bệnh nhân đã hồi phục. Về số lượng lao động di cư Campuchia từ Thái Lan về nước, có 81 người dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN