Vận chuyển lúa mì lên tàu hàng tại cảng quốc tế Rostov-on-Don (Nga) để chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận thông tin này. Ông Peskov nói thêm rằng Nga sẽ quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nếu các yêu cầu của nước này được đáp ứng.
Ông Dmitry Peskov nêu rõ: “Khi nội dung trong Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen liên quan đến Nga được thực hiện, Nga sẽ lập tức quay trở lại thực hiện thỏa thuận”.
Ngày 16-7-2023, chuyến tàu cuối cùng chở ngũ cốc của Ukraine theo thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã rời cảng Odessa trước khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 17-7-2023.
Tháng 7-2022, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.
Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và LHQ đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.
Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và lần gia hạn gần đây nhất có hiệu lực từ ngày 18-5-2023 và kéo dài trong 2 tháng. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo Nga đang xem xét rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được giải quyết.
Nga đã phàn nàn rằng những hạn chế về vận chuyển và bảo hiểm đã cản trở việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của nước này – vốn cũng rất quan trọng đối với chuỗi lương thực toàn cầu.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen tạo điều kiện để 3 cảng của Ukraine xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc và các thực phẩm khác ra thế giới, hơn một nửa trong số này đến các nước đang phát triển.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức