Nga lên kế hoạch lập sàn giao dịch dầu quốc gia để đáp trả phương Tây

16/07/2022 - 06:00

Nga có kế hoạch thiết lập tiêu chuẩn dầu quốc gia riêng nhằm nỗ lực vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt của phương Tây và tránh khả năng phương Tây áp dụng mức trần giá với dầu của mình.


Toàn cảnh cơ sở lọc dầu ở giếng dầu Vankorskoye thuộc vùng Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo Bloomberg, các quan chức Nga cho biết các nhà cung cấp dầu và Ngân hàng Trung ương Nga đã bắt đầu thảo luận về việc khởi động một sàn giao dịch dầu quốc gia vào mùa thu năm nay. Nền tảng giao dịch sẽ thu hút đủ người mua để thiết lập dầu thô của Nga theo chuẩn riêng vào giữa năm 2023, bên cạnh dầu thô WTI và dầu thô Brent trên thị trường hàng hóa toàn cầu.

Nga đã cố gắng nhưng chưa thành công trong thiết lập chuẩn cho dầu thô Urals của mình trong 10 năm qua. Tuy nhiên, ý tưởng này đã trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất dầu và các nhà hoạch định chính sách Nga sau khi nước này hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây – vốn đang có kế hoạch áp đặt trần giá đối với dầu của Nga.

Phương Tây gần đây thảo luận về việc giới hạn dầu thô của Nga ở mức 40- 60 USD/thùng. Các quan chức Nga trước đó đã cho rằng đề xuất như vậy sẽ sụp đổ và sẽ dẫn đến việc trả đũa, khiến giá dầu còn cao hơn.

Nga đang tìm cách bán nhiều dầu nhất có thể mà không chịu hạn chế nào. Một nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm rằng quyết định áp dụng chuẩn giá dầu riêng của Nga một phần là do các cuộc đàm phán đang diễn ra về giới hạn trần giá dầu Nga tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào đầu tháng này.

Để chuẩn giá mới được công nhận trên toàn cầu, Nga phải thiết lập khuôn khổ pháp lý cần thiết trước khi ra mắt nền tảng giao dịch. Đây là điều mà chính phủ Nga vẫn chưa thực hiện. Nền tảng giao dịch cũng sẽ cần phải tích lũy khối lượng giao dịch đủ cao và đây là điều mà Nga trước đây đã không làm được tại các sàn giao dịch hàng hóa khác.

Nhưng nền kinh tế nhiên liệu của Nga đang rất nóng, khiến nước này có thể đạt đến ngưỡng đó. Mặc dù giảm giá mạnh dầu bán cho các đồng minh, nhưng Nga vẫn thu về gần 100 tỷ USD từ xuất khẩu nhiên liệu trong 100 ngày đầu tiên xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Nga thu về 24 tỷ USD tiền bán nhiên liệu cho các khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ chỉ trong ba tháng đầu tiên của cuộc chiến.

Trước đó, nhận định về ý định áp giá trần với dầu Nga, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này khó khả thi.

Ông Neil Atkinson, một nhà phân tích dầu độc lập, nói với CNBC: “Những thứ như thế này chỉ có thể có tác dụng nếu bạn khiến tất cả các nhà sản xuất chủ chốt và quan trọng là tất cả những người tiêu dùng cùng phối hợp và sau đó tìm ra cách nào đó để thực thi kế hoạch đưa ra”.

Đây có vẻ là một công việc khó khăn. Khiến toàn bộ tổ chức OPEC+ chống lại đối tác Nga chắc chắn nói dễ hơn làm. Thuyết phục Trung Quốc và Ấn Độ ủng hộ kế hoạch này cũng nói dễ hơn làm, mặc dù cả hai đều là những nhà nhập khẩu lớn và chắc chắn sẽ thích giá dầu thấp hơn nữa.

Do đó, có hai trở ngại khá lớn đối với G7 nếu muốn áp trần giá dầu Nga. Đầu tiên là tìm ra chính xác cách áp đặt trần giá dầu. Kịch bản về bảo hiểm nghe có vẻ hợp lý, mặc dù có những nghi ngờ rằng kịch bản này cuối cùng sẽ có hại cho các công ty bảo hiểm thay vì Nga.

Trở ngại thứ hai là giả định rằng Nga sẽ không làm gì cả. Đó là một giả định nguy hiểm. Báo cáo của JP Morgan đã ước tính rằng nếu Nga quyết định ngừng xuất khẩu để đáp trả, giá dầu có thể tăng lên 380 USD/thùng.

Ngoài ra còn có một vấn đề khác: G7 đang hết thời gian để giới hạn giá dầu của Nga. EU sẽ thực hiện lệnh cấm vận đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ đường biển của Nga vào cuối năm nay. Mỹ đã cấm nhập khẩu hydrocacbon của Nga. Giới hạn giá sau khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực sẽ không có ý nghĩa gì.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN