Nét đẹp áo dài trong văn hóa công vụ

12/10/2022 - 06:40

BDK - Từ xưa đến nay, chiếc áo dài đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt, đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, dưới góc nhìn cải cách hành chính, xin chia sẻ đôi điều về nét đẹp truyền thống của chiếc áo dài dân tộc trong văn hóa công vụ.

Nữ công chức UBND huyện Ba Tri thướt tha trong tà áo dài trước giờ chào cờ đầu tuần.

Ưu điểm của áo dài

Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận một điều rằng phụ nữ không bao giờ thờ ơ với việc thể hiện vẻ đẹp của mình. Áo dài truyền thống là trang phục nổi bật được cả thế giới thừa nhận, tôn vinh vẻ đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định, trong mắt mọi người (cả nam lẫn nữ) thì phụ nữ khi diện áo dài đều rất đẹp. So với trang phục dân tộc của phụ nữ một số nước châu Á khác, áo dài Việt Nam đạt ưu thế tuyệt đối về sự đơn giản, nền nã, không gây nhiều bất tiện cho người sử dụng.

Ưu điểm nổi bật ở loại trang phục này chính là sự kín đáo, duyên dáng và gợi cảm, nó là niềm kiêu hãnh của người Việt. Chính vì thế, từ lâu chiếc áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt. Áo dài cũng chính là trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trong những ngày hội nghị, lễ hội, lễ cưới, ngày Tết hoặc trong những cuộc thi sắc đẹp...

Ngoài ra, chiếc áo dài còn tôn thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nét duyên dáng của người phụ nữ Á Đông. Áo dài là hiện thân của dân tộc Việt, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt, là đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ dịu dàng, chịu thương chịu khó, luôn có đức hy sinh.

Mặc áo dài nơi công sở

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, trừ giáo viên hoặc phụ nữ làm việc trong những ngành dịch vụ như: khách sạn, du lịch, ngân hàng... nơi mà áo dài được sử dụng làm đồng phục, thì phụ nữ các ngành khác hầu như chỉ mặc áo dài với tư cách lễ phục khi chào cờ, viếng nghĩa trang, tham dự các buổi họp, gặp mặt trang trọng, hoặc trong tuần lễ hưởng ứng áo dài nhân một số sự kiện được phát động trước đó.

Sự thật là phụ nữ rất hiểu về vẻ đẹp của mình khi mặc áo dài, nhưng cũng chính họ lại là người khước từ cơ hội mặc nó. Lý do chính khiến phụ nữ ở các cơ quan hành chính hiện nay chưa thường xuyên mặc áo dài khi đi làm là vì họ e ngại. Có thể nói, chị em đã nhầm sử dụng từ “phải” khi nhắc đến áo dài (“Hôm nay chúng tôi phải mặc áo dài”). Thật ra, các chị em mình nên cân nhắc lại, đó không phải là “phải” mà là “được”, hay còn là hơn thế nữa…

Với việc tự đặt mình vào thế bị động, vô hình chung, người phụ nữ biến hứng thú của mình trở thành nghĩa vụ. Môi trường công sở khiến mọi người (kể cả phụ nữ) đã bị “nhiễm” tư duy không chủ động làm bất cứ điều gì ngoài quy định. Mà quy định thì chỉ những sự kiện trang trọng mới phải mặc áo dài. Vậy làm thế nào để có những ngày, tất cả phụ nữ tới công sở rực rỡ trong tà áo dài? Chúng ta có thể coi như đây là việc để cải thiện văn hóa công sở và giúp phụ nữ nâng cao ý thức, tạo lập thói quen về việc mặc trang phục dân tộc ở nơi làm việc.

Tiếng nói người trong cuộc

Một đồng nghiệp nữ trong cơ quan tôi cho biết: “Em cảm nhận được vẻ đẹp của người phụ nữ khi mặc áo dài, nhưng thật ra nếu suốt ngày trong công sở mà phải mặc áo dài thì khó chịu và vướng víu lắm”. Đồng quan điểm này, công chức Hà Thị Kim Tuyền (Sở Công Thương) bộc bạch: “Cơ quan có quy định mặc đồng phục áo dài khi chào cờ, nhưng theo em khi chào cờ thì nên mặc áo dài và khi làm việc thì mặc váy sẽ ổn hơn, tác phong công việc bây giờ là “chuyển đổi số”, nên không thể từ từ, thướt tha yểu điệu được”.

Ngược lại, công chức Nguyễn Thị Kim Yến (Phòng Nội vụ huyện Ba Tri) chia sẻ: “Em rất tự hào khi khoác lên người bộ áo dài truyền thống. Không chỉ mặc áo dài trong ngày thứ Hai theo quy định, em còn mặc luôn vào những ngày khác nếu không có công việc phải đi lại nhiều”. Được biết, Kim Yến luôn thuyết phục bạn bè, đồng nghiệp diện áo dài đến cơ quan. Ngoài giờ làm, Yến còn tự mở một cửa hàng chuyên phục vụ đồng phục áo dài cho công chức, giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện.

Công chức Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: “Em rất thích mặc áo dài, không riêng gì đi làm, khi đi dự tiệc cũng vậy. Theo em, áo dài là trang trọng và xinh xắn nhất”. Về việc quy định mặc áo dài đi làm, Ngọc Thanh chia sẻ: “Còn tùy vào tính chất công việc nữa, có một số vị trí việc làm sẽ gây bất tiện khi di chuyển”.

Phó chánh Văn phòng Sở Y tế Đường Thị Trúc với tình yêu mãnh liệt dành cho áo dài.

Với Phó chánh Văn phòng Sở Y tế Đường Thị Trúc thì mỗi ngày đều diện áo dài đến công sở (mặc dù cơ quan chỉ quy định ngày đầu tuần). Trúc cho biết: “Vì yêu thiết tha tà áo dài, cảm thấy tự tin hơn với trang phục này nơi công sở nên em mặc ngày hai buổi đến cơ quan. Hôm nào được phân công đi họp với ngành công an, quân đội thì chọn màu xanh cho phù hợp, phân công đi viếng đám tang thì diện bộ màu đen, dự lễ hội thì chọn màu tươi tắn hơn…”. Và cứ thế đã ngót nghét  20 năm mặc áo dài đi làm, hiện bộ sưu tập áo dài của Trúc đã lên con số 200. Nhiều lần, cũng có người hỏi vì sao phải mặc như thế khi cơ quan không quy định? Trúc cũng ngại nên đã tính đến việc không mặc nữa, nhưng rồi tình yêu mãnh liệt dành cho chiếc áo dài cộng với sự động viên từ bạn bè, đồng nghiệp mà Đường Thị Trúc vẫn đều đặn khoác trên mình trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam mỗi ngày đến công sở. Trúc tự hào chia sẻ: “Tài sản lớn nhất của em bây giờ là áo dài”.

Quy định của các cơ quan, đơn vị

Hiện nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh (kể cả cấp xã) đã có quy định: Nữ cán bộ, công chức, viên chức mặc áo dài trong khi chào cờ đầu tuần hoặc cả ngày thứ Hai, có cơ quan còn quy định mặc xen kẽ các ngày trong tuần, khuyến khích (thậm chí bắt buộc) mặc áo dài trong các dịp lễ, hội nghị. Đối với các sở, ngành thì trên 90% là quy định nữ mặc áo dài trong khi chào cờ và cả ngày thứ Hai, một số đơn vị khuyến khích mặc thêm vào các ngày khác khi có điều kiện. Đối với cấp huyện, 7/9 đơn vị đều có quy định bằng văn bản về việc mặc trang phục áo dài trong ngày đầu tuần. Cấp xã thì đa phần đã đưa vào nội quy, quy chế hoặc công văn quy định là công chức nữ mặc áo dài ngày đầu tuần.

 

Về kinh phí, phần lớn các chị em tự đầu tư, trang bị cho mình; một số cơ quan, đơn vị cân đối được kinh phí thì hỗ trợ hoặc hỗ trợ một phần. Công đoàn cơ sở của các cơ quan, đơn vị là tổ chức ủng hộ nhiệt tình nhất cho quy định này.

Với quan niệm phụ nữ sẽ xinh đẹp hơn rất nhiều khi mặc trang phục áo dài, Chủ tịch UBND Phường 7, TP. Bến Tre Nguyễn Lê Phương Thảo cho biết: Địa phương phát động triển khai thống nhất trong hội nghị cán bộ, công chức đầu năm, quy định hẳn trang phục sáng thứ Hai (nam: quần tây, áo trắng, thắt cà vạt; nữ: áo dài); giao cho Ban Chấp hành Công đoàn theo dõi hàng tuần để có ý kiến cuối năm trong bình xét thi đua. Các cuộc hội nghị, họp lớn trong giấy mời đều quy định trang phục nữ là áo dài. Ngoài ra, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của phường còn phát động đề nghị chị em mỗi tuần cùng mặc một tông màu theo đồng phục đã trang bị cho mọi người trước đó.

Muôn hình vạn trạng những quy định từ các cơ quan, đơn vị, địa phương về trang phục áo dài trong công sở, tuy nhiên mục đích cuối cùng mà các cơ quan này hướng đến vẫn là tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam; giữ gìn bản sắc dân tộc trong thực hiện văn hóa công vụ. Thiết nghĩ, những quy định như vậy cần nên tôn trọng và phát huy vì nó mang đậm tính nhân văn trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Cần phát động phong trào rộng khắp

Phó bí thư Tỉnh đoàn Phan Thanh Trẻ nêu quan điểm: Áo dài không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ mà còn tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam với bạn bè ngoài nước. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nữ mặc áo dài đi làm là việc cần thiết, có thể mặc 2 ngày trong tuần. Đồng thời, tổ chức các hoạt động về tôn vinh áo dài như: Hội thi áo dài, Áo dài xuống phố…

Có thể nói rằng, ngoại trừ một bộ phận nhỏ chị em phải thực hiện công việc đặc thù, còn lại công sở của các ngành nghề khối văn phòng, hành chính sự nghiệp nên thường xuyên phát động “Ngày hội áo dài” cho toàn thể chị em. Với các ngành nghề có trang phục riêng như Viện Kiểm sát, Công an, ngành y, tùy công việc cụ thể, chị em được khuyến khích mặc đồng phục ngành, hoặc mặc áo dài. Việc phát động cần làm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, để phụ nữ gạt bỏ mọi e ngại, tự tin trở thành người đẹp đúng nghĩa nhất nơi công sở.

Tin rằng, với tà áo dài duyên dáng thấp thoáng ở khắp mọi nơi trong các cơ quan, đơn vị - vị thế của phụ nữ đối với nửa thế giới còn lại sẽ có thêm nhiều phần nể trọng và đương nhiên công sở cũng có phần chỉn chu hơn, văn minh hơn trong mắt mọi người.

Mặc dù tại Điều 1 của Đề án Văn hóa công vụ ban hành kèm theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. Tuy nhiên, tâm trạng của bạn sẽ tốt hơn nhiều, phấn khởi hơn nhiều khi tiếp cận với một cơ quan, đơn vị mà toàn bộ nữ đều mặc áo dài.

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN