Học sinh Trường THCS An Phú Trung (Ba Tri) tưới ruộng đậu phộng sau giờ học.
Thầy và trò năng động
Nội dung chính của tiêu chí “năng động” chính là phát huy được vai trò từng thành viên và vận động được cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường tham gia. Trong đó học sinh tự tin, sáng tạo trong học tập và các hoạt động phong trào. Trở lại với Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Bến Tre), tiêu chí “năng động” được thực hiện theo phương châm: “Muốn cho học sinh năng động thì trường học, thầy cô giáo phải tạo điều kiện trang bị kiến thức, kỹ năng tự tin cho các em”, cô Nguyễn Thị Tuyết Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Các mô hình hay của Trường Tiểu học Chu Văn An như: bố trí nhiều không gian đọc sách cho học sinh, ngoài thư viện còn có các tủ sách, kệ sách tiếng Việt, tiếng Anh ở hành lang, góc cầu thang, kệ sách lớp học, khu vực sân chơi; bố trí một sân khấu nhỏ phục vụ các giờ học Mỹ thuật, Âm nhạc, Tiếng Anh, các giờ học kỹ năng để các em tự tin thể hiện bản thân mình. Thông qua những giờ học trên, dần dần các em sẽ thêm tự tin hơn, năng động hơn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Giang khẳng định: “Ngay từ khi các em còn nhỏ, nếu được tập cho các em tự tin thì các em sẽ mạnh dạn, chủ động tham gia nhiều hoạt động khác. Trường cũng lưu ý các thầy cô giáo không nên gọi phát biểu hoài đối với các em đã tự tin, đã giỏi, mà cần quan tâm đến các em nhút nhát để động viên, khích lệ các em trình bày ý kiến cá nhân”.
Hay như Trường THCS Ba Mỹ (huyện Ba Tri) thực hiện tiêu chí “năng động” thông qua tuyên truyền, động viên học sinh bằng nhiều câu khẩu hiệu; đồng thời cho các em trải nghiệm nhiều hoạt động kỹ năng bên cạnh việc học.
Ghi nhận thực tế cho thấy, không phải trường học nào được chọn làm điểm thì mới xây dựng theo tiêu chí “xanh - sạch - năng động”. Có những trường khác đã chủ động và thực hiện rất tốt. Có thể nhắc đến như Trường THCS Hoàng Lam (TP. Bến Tre) có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong ứng dụng viên gạch sinh thái, bức tranh nắp chai, hoạt động của đội hình Ống kính xanh, các hoạt động ngoại khóa nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Tại Trường THCS An Phú Trung (huyện Ba Tri) đã mạnh dạn tận dụng phần diện tích đất trống phía sau trường để làm khu đất thực nghiệm trồng rau màu các loại cho học sinh. Ngay từ đầu năm, Liên đội Trường THCS An Phú Trung đã phát động thi đua trồng rau màu ngắn ngày các loại, thu hoạch được nhiều vụ, tạo được nguồn quỹ cho chi đội hoạt động. Cô Đặng Thị Lành - giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS An Phú Trung cho biết: “Cách làm này nhằm để khuyến khích học sinh yêu lao động hơn, các em ham thích thì sẽ tự giác làm việc, tự giác chăm sóc vườn rau của lớp mình. Các em cùng lao động với nhau cũng sẽ rất vui, thoải mái sau giờ học”.
Kiên trì và thực hiện đồng bộ
Những mô hình xanh - sạch - năng động đã đổi mới không gian, diện mạo, môi trường học đường. Không gian sạch, đẹp, ý thức của giáo viên, học sinh, phụ huynh nâng lên, giữ gìn vệ sinh trường lớp. Chia sẻ về điều này, thầy Đoàn Văn Tiệp - Hiệu trưởng Trường THCS An Phú Trung nêu ý kiến: “Đối với các hoạt động của Liên đội, Ban giám hiệu nhà trường rất đồng thuận và sẵn sàng cho triển khai làm. Khi giáo viên Tổng phụ trách đội đề xuất thì ban giám hiệu ủng hộ, có hỗ trợ, theo dõi việc thực hiện sau 2 tuần triển khai rút kinh nghiệm ngay để kết quả ngày càng tốt hơn. Trường chúng tôi rất xem trọng vấn đề vệ sinh môi trường”.
Từ cơ sở những gì đạt được, các trường rút kinh nghiệm và đầu tư nâng chất nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An cho biết, trường tiếp tục phát động, khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo trong các hoạt động. “Chúng tôi có hoạt động Mỗi ly mì là một chậu cây xanh, mỗi chai nhựa là một bông hoa cho vườn hoa sân trường, hướng dẫn học sinh làm những bông hoa từ chai nhựa, trang trí góc học tập, bồn hoa trong sân trường”, cô Tuyết Giang nói.
Với những kết quả đạt được bước đầu của phong trào xây dựng trường học “xanh - sạch - năng động” cho thấy vai trò của ban giám hiệu, thầy cô giáo là rất quan trọng. Để triển khai được các hoạt động có hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, động viên để giáo viên, học sinh nắm được các tiêu chí và thực hiện. Tuyên truyền hiệu quả cũng giúp cho ý nghĩa của các hoạt động lan tỏa về cho gia đình, được sự ủng hộ của phụ huynh, ứng dụng các giải pháp tái chế, phân loại rác, hạn chế sử dụng vật liệu nhựa tại mỗi gia đình.
Theo chị Trương Việt Trinh - Phó chủ tịch Hội đồng Đội huyện Ba Tri nhận xét, tại huyện, đối với tiêu chí “xanh, sạch”, hầu như các đơn vị thí điểm đều đã hoàn tất, riêng tiêu chí “năng động”, mỗi trường có một cách làm khác nhau. Ngoài các trường điểm, các đơn vị trường học khác cũng chủ động thực hiện, mỗi trường có một cách làm riêng. “Tuy nhiên, kết quả nằm ở vai trò chỉ đạo của chi bộ, ban giám hiệu, sự năng động của giáo viên Tổng phụ trách đội. Trường nào có sự quan tâm thì sẽ có được những mô hình hay. Bên cạnh đó quan trọng là tạo sự hứng khởi cho học sinh để các em thật sự yêu thích hoạt động và tự giác làm. Khi các em yêu thích thì sẽ chủ động làm mà thầy cô không phải bắt buộc”.
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai xây dựng trường học “xanh - sạch - năng động” và sẽ trở thành việc làm thường niên của các trường những năm tiếp theo. Việc xây dựng trường học xanh - sạch - năng động là một lộ trình cần sự kiên trì và lâu dài để đạt được hiệu quả đồng bộ. Đây là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ trường học, góp phần tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xây dựng Bến Tre xanh, sạch, đáng sống. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng