Nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống cháy nổ trong mùa khô

05/03/2021 - 06:57

BDK - Gần đây, trên địa bàn tỉnh số vụ cháy, nổ có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Hiện nay đang vào đầu mùa khô, thời tiết nắng nóng, hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, rất cần sự cảnh giác cao, phối hợp tốt của tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa sự cố.

Hiện trường vụ cháy tại cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy.  Ảnh: Q. Duy

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy. Vụ mới nhất là cháy cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa ở ấp Tiên Tây Vàm, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành ngày 1-3-2021. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường cùng người dân địa phương dập tắt đám cháy. Nguyên nhân ban đầu được xác định do sự cố về điện, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra và xác định thiệt hại.

Trung tá Vũ Ngọc Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: Tình hình cháy, nổ trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 có giảm so với trước đây. Điều đó cho thấy ý thức cảnh giác, PCCC của các cấp ngành, cơ quan, đơn vị và người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, sự cố cháy nổ vẫn còn xảy ra và còn những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ, một bộ phận người dân chưa ý thức tự giác cao trong PCCC. Nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện tốt quy định về các biện pháp PCCC là việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ, không thiệt hại về người, gây thiệt hại về tài sản trên 9,9 tỷ đồng. Qua điều tra làm rõ 9/13 vụ, nguyên nhân xảy ra cháy có liên quan đến sự cố về điện là 7 vụ, chiếm 53,8%; sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt là 2 vụ, chiếm 15,4%. Trong số những vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản là vụ cháy tàu đánh bắt thủy sản đang neo đậu ở ấp An Phú 1, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri do bất cẩn trong khi hàn điện, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Địa bàn xảy ra cháy qua thống kê có 10/13 vụ xảy ra ở nông thôn, chiếm 76,9%; loại hình xảy ra cháy nhiều nhất là nhà ở đơn lẻ, với 5/13 vụ; cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa, phương tiện giao thông đường bộ, tàu thuyền mỗi loại hình 2 vụ.

Trung tá Vũ Ngọc Nam lưu ý: Hiện thời tiết trên địa bàn tỉnh đang chuyển sang mùa khô, nắng nóng là điều kiện dễ xảy ra cháy, nổ. Qua nắm tình hình và phân tích số liệu của cơ quan nghiệp vụ cho thấy một số loại hình xảy ra cháy đáng quan tâm như: tàu khai thác thủy sản, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở đơn lẻ. Sự cố cháy có liên quan đến điện, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm tỷ lệ cao. Về điều kiện PCCC, thời điểm này là mùa khô, nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy ở một số nơi khan hiếm; điều kiện về giao thông ở một số địa bàn, khu dân cư, vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn đối với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Tăng cường các biện pháp phòng chống

Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong mùa khô, phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội. Thiệt hại về cháy rất khó lường, không chỉ là tính mạng con người, tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân, quá trình khắc phục đôi khi là cả những vấn đề an sinh xã hội.

Thực tập phòng cháy chữa cháy tại Khu hành chính huyện Giồng Trôm.  Ảnh: H.Đức

Về các biện pháp PCCC, Trung tá Vũ Ngọc Nam cho biết: Nâng cao ý thức cảnh giác, PCCC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân là việc làm cần thiết và thường xuyên. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC trên địa bàn nhằm phát động tốt phong trào toàn dân tham gia PCCC, nhất là tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp PCCC trong sinh hoạt, đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, trong kinh doanh vật liệu dễ cháy, việc thắp hương thờ cúng... Đồng thời, lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp có nguy hiểm cháy, nổ chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, kiến nghị khắc phục những thiếu sót trong PCCC. Rà soát lại lực lượng PCCC tại chỗ, các phương tiện, thiết bị PCCC, phương án và việc huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ đảm bảo phản ứng nhanh khi sự cố cháy, nổ xảy ra.

Công tác củng cố lực lượng PCCC ở cơ sở, đến nay đã tiến hành rà soát, củng cố 968 đội dân phòng ấp, khu phố với hơn 9.740 đội viên và 4.432 đội PCCC cơ sở với 45.637 đội viên. Trong năm 2020 toàn tỉnh đã tổ chức 76 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và các đối tượng với trên 3.610 người dự. Tổ chức tập huấn và cấp phát phương tiện chữa cháy cho 108 đội dân phòng của 20 xã, thị trấn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng với tổng giá trị trên 3,66 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp các huyện, thành phố, cấp xã trên địa bàn tỉnh thống kê các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ, dễ phát sinh cháy, nổ, trong đó có loại hình hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, dự kiến hoàn tất trong tháng 3-2021. Sau đó sẽ tổng hợp và tham mưu việc phân cấp quản lý về PCCC đối với các loại hình này theo tinh thần Nghị định số 163 ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Luật Phòng cháy và chữa cháy đã quy định mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy trước hết phải được thực hiện cũng như giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Do vậy, để ngăn ngừa hỏa hoạn trong mùa khô, các gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp cùng mỗi cá nhân cần phải có sự quan tâm toàn diện, đúng mức đến công tác phòng cháy chữa cháy để không lúng túng, có thể bình tĩnh xử lý tình huống mỗi khi không may có sự cố cháy, nổ.

(Trung tá Vũ Ngọc Nam - Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ,
Công an tỉnh)

Mai Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN