Nâng cao vai trò, hiệu quả phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân

21/02/2024 - 10:32

Ngày 20-2-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 182/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” (Đề án).


Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dung, tỉnh Bắc Giang có diện tích hơn 60 ha trồng các loại rau ăn lá, mỗi tháng cung cấp khoảng 200 tấn sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới ít nhất 250 hợp tác xã, 1.500 tổ hợp tác trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 hợp tác xã nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập; thu hút thêm 5% số hộ hội viên nông dân tham gia các tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; hỗ trợ ít nhất 10% số chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phát triển thành hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp.

Có ít nhất 30% số hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác; 25% số hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng.

100% cán bộ Hội Nông dân các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể; ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án là thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập.

Bên cạnh đó, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ.

Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp; tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân.

Trong đó, tư vấn hỗ trợ sáng lập viên trong thành lập mới, mở rộng đối tượng thành viên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Khuyến khích, vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc làm nòng cốt, hạt nhân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Phát triển chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp thành tổ hợp tác, hợp tác xã; đẩy mạnh thành lập chi Hội Nông dân, tổ Hội Nông dân trong Hợp tác xã nông nghiệp.

Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã, góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm phát triển sản xuất; hình thành mạng lưới tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp điển hình do Hội Nông dân hỗ trợ.

Hỗ trợ vốn tín dụng đối với các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp.

Phát triển và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trong đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc trở thành giám đốc hợp tác xã nông nghiệp.

Tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ trong chuyển đổi số đối với tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp.

Chuyển giao khoa học, công nghệ cho hội viên, nông dân là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN