Mỗi cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải liên tục có sáng kiến CCHC để cải tiến công việc của mình sao cho hiệu quả hơn.
Nâng cao chất lượng phục vụ
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong năm 2019, công tác CCHC được thực hiện chủ động và thường xuyên trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo quy định. Tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bô,công chức (CB, CC); đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông bằng việc đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công. Việc rà soát, công bố thủ tục hành chính (TTHC) và niêm yết TTHC được thực hiện thường xuyên và đầy đủ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và trả kết quả và thông qua dịch vụ bưu chính tiếp tục được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi.
Trong năm qua, các sở, ngành, địa phương đều rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với những dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4... Điều đó giúp môi trường đầu tư kinh doanh và chất lượng phục vụ người dân được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với CCHC vẫn còn rất lớn. Báo cáo Chỉ số hài lòng năm 2018 được Sở Nội vụ công bố cho thấy, có tới 68,92% người dân và doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa TTHC. Thực tế, vẫn còn rất nhiều “những việc cần làm ngay” để CCHC ở tỉnh đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Mặc dù, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre xếp thứ 4/63 tỉnh, thành, nhưng Chỉ số CCHC (PAR - INDEX) của Bến Tre năm 2018 được Bộ Nội vụ công bố vẫn còn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp nhất (55/63).
Tạo đột phá trong CCHC
Để đẩy nhanh được tốc độ CCHC thì vai trò của từng cơ quan, đơn vị hay cụ thể hơn nữa là vai trò của từng CB, CC trong hệ thống hành chính nhà nước là hết sức quan trọng. Bởi CCHC có thể bị giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu hóa phần lớn bắt nguồn từ sự tắc trách, vô cảm, tư lợi của từng CB, CC nhà nước. CB, CC hàng ngày giải quyết các TTHC, đối mặt với muôn vàn thắc mắc của người dân và doanh nghiệp nên hơn ai hết họ hiểu rất rõ thủ tục nào là hợp lý, thủ tục nào là bất hợp lý. Nếu như họ đề xuất các sáng kiến CCHC thì sẽ sát đúng, hiệu quả. Do đó, mỗi CB, CC, viên chức nhà nước phải liên tục có sáng kiến CCHC để cải tiến công việc của mình sao cho hiệu quả hơn nữa, theo tinh thần phục vụ xã hội, vì lợi ích chung. Có như vậy, công tác CCHC mới thấm sâu và có bứt phá trong thời gian tới.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện công tác CCHC phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, bằng các công trình, mô hình, giải pháp, sáng kiến gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội và các Nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống thi đua yêu nước gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ CB, CC, viên chức.
Để địa phương ngày càng phát triển, công tác CCHC thực sự tạo sự đột phá mạnh mẽ, hơn lúc nào hết đội ngũ CB, CC tỉnh nhà phải luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ”. Cùng với đó, phải luôn có những sáng kiến, cải tiến trong công tác CCHC nhằm giúp rút ngắn thời gian giải quyết, đơn giản hóa hồ sơ TTHC để tạo sự tiện lợi, tránh để xảy ra nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân. Bên cạnh đó, luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân về thái độ phục vụ trong quá trình giải quyết TTHC để có những điều chỉnh kịp thời.
Bài, ảnh: Đăng Phong