Nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống bệnh dại

28/09/2022 - 05:34

BDK - Từ năm 2021 đến nay, tình hình bệnh dại tại tỉnh liên tiếp tăng cao. Bến Tre là tỉnh có số ca tử vong do bệnh dại trên người đứng đầu cả nước. Các ngành chuyên môn đã và đang đánh giá tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và hạn chế các trường hợp tử vong do bệnh dại.

Người dân đưa chó nuôi đi tiêm phòng bệnh dại.

Còn chủ quan trong phòng ngừa

Trong 9 tháng năm 2022, tỉnh ghi nhận 11 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng rất nhiều so với năm 2020 (3 ca dại). Năm 2021, tình trạng bệnh dại xuất hiện chủ yếu tại huyện Giồng Trôm với 8 trường hợp. Những tháng đầu năm 2022, bệnh dại ghi nhận rải đều 9 huyện, thành phố. Tại Châu Thành, có 3 ca tử vong do bệnh dại (Tân Phú, Tiên Thủy, Phú Túc).

Trường hợp bà Đ.T.H, sinh năm 1964, ấp Phú Xuân, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, là hộ khó khăn kinh tế, không tiêm chủng khi bị chó cắn và đã tử vong. Ngày 18-1-2022, bà Đ.T.H cảm thấy uể oải, nhức mình nhưng không điều trị. Đến sáng ngày 25-1-2022, bà Đ.T.H cảm thấy mệt nhiều, khó thở, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đến cơ sở y tế điều trị. Qua 1 ngày theo dõi, điều trị, tình hình bệnh không suy giảm. Ngày 26-1-2022, các bác sĩ xác định bà Đ.T.H phơi nhiễm dại với các biểu hiện sợ nước nhiều, vật vã và tiết nhiều nước bọt. Đến chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại bệnh viện.

Cán bộ y tế phụ trách phòng chống dịch Trung tâm Y tế huyện Châu Thành Võ Ngọc Hạnh cho biết: Tất cả trường hợp tử vong do bệnh dại ghi nhận trên địa bàn huyện đều không tiêm ngừa dại. Một số ít người dân còn chủ quan, nghĩ chó nhà cắn, vết thương nhỏ nên bỏ qua không tiêm ngừa, đến khi phát dại thì quá muộn.

Trường hợp ông T.V.T, sinh năm 1976, ấp Phú Thứ Trong, xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, hoàn toàn không biết bị chó, mèo cắn lúc nào. Ngày 24-6-2022, ông có triệu chứng uống nước không được. Cán bộ y tế xã tư vấn ông đến bệnh viện tuyến tỉnh, do không có yếu tố dịch tễ dại nên bệnh viện cho về. Ngày 26-6-2022, gia đình đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, bệnh nhân phát hiện dương tính với bệnh dại. 9 giờ 27-6-2022, bệnh nhân tử vong.

Để không chết do bệnh dại, ngành y tế khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn. Trường hợp xác định phơi nhiễm với dại phải đảm bảo tiêm đúng phác đồ để được phòng chống bệnh dại.

Thiếu vắc-xin phòng bệnh dại

Thời gian phơi nhiễm của vi-rút dại rất dài, có thể từ 3 tháng trở lên. Cán bộ phụ trách Dự án khống chế loại trừ bệnh dại khu vực phía Nam Nguyễn Thị Phương Thúy cho biết: Dựa trên tình trạng con chó và dựa trên vết thương để đánh giá tiêm chủng. Khi xác định chắc chắn phơi nhiễm, trường hợp người dân khó khăn, không đủ kinh phí tiêm ngừa, cán bộ tiêm chủng cần xin ý kiến lãnh đạo phòng tiêm chủng để tiêm miễn phí cho người dân. Hoặc trường hợp người dân có tiền tiêm vắc-xin nhưng không đủ tiền tiêm huyết thanh thì phải tiêm miễn phí huyết thanh cho họ.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Trung Dũng cho biết: Các phòng tiêm ngừa bệnh dại trên người hiện nay phủ đều các huyện. Tuy nhiên, tình hình mua sắm, đấu thầu vắc-xin thiếu hụt vắc-xin dại, điều này gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của tỉnh trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới. “Trước tình trạng vắc-xin dại bị thiếu hụt, dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng bệnh dại tại tỉnh. Do đó, các huyện, thành phố phấn đấu có đầy đủ vắc-xin dại để tiêm ngừa cho người dân khi bị súc vật, chó, mèo cắn”, bác sĩ Nguyễn Trung Dũng nêu.

Để kiểm soát tình hình bệnh dại tại tỉnh, ngành thú y và y tế tại các địa phương đều có xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh dại năm 2022 - 2030. Đồng thời, tổ chức giám sát, điều tra dịch tễ các trường hợp bệnh dại tử vong và ổ dịch dại trên động vật. Ngoài ra, công tác truyền thông y tế về phòng chống bệnh dại thời gian qua được phối hợp rất tốt, góp phần trong công tác phòng chống bệnh dại.

Hôm nay (ngày 28-9-2022), UBND tỉnh tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại”. Hoạt động nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động giáo dục cán bộ và người dân nâng cao ý thức về phòng chống bệnh dại trên người và động vật.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN