Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

11/09/2019 - 07:10

BDK - Hoạt động khuyến công (KC) thời gian qua đã dần đi vào nền nếp, số lượng các đề án, kinh phí hoạt động hàng năm có tăng lên và đã mang lại lợi ích thiết thực cho việc khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất thạch dừa tại cơ sở sản xuất kinh doanh thạch dừa - nước màn dừa Minh Tâm, Phường 6, TP. Bến Tre. Ảnh: Hữu Hiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp

Giai đoạn 2014 - 2018, hoạt động KC đạt được một số kết quả nhất định. Đã hỗ trợ cho 85 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên 10 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là hơn 100 tỷ đồng. Thực hiện 2 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, có 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 14 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết 3 cụm công nghiệp. Tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm về công tác KC. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác KC và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN), khởi sự DN...

Việc triển khai thực hiện các hoạt động KC đảm bảo đúng theo quy định, trình tự, thủ tục, tiến độ và đáp ứng tốt nội dung, mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần cho các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực cho cơ sở đầu tư vào hoạt động sản xuất CNNT, tạo sức lan tỏa từ chính sách KC đối với nhu cầu của DN. Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến giúp cơ sở CNNT tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc hỗ trợ quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp đã góp phần trong việc từng bước đầu tư hoàn thiện các cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch phục vụ cho DN đầu tư phát triển sản xuất. Một số sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển sản xuất và quảng bá thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động tham gia các hội chợ trong nước.

Đối thoại với doanh nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KC thời gian qua vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Một số cơ sở CNNT mặc dù được phê duyệt kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn KC nhưng không thể triển khai thực hiện do không có kinh phí đối ứng. Hầu hết các cơ sở CNNT đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm tăng năng lực sản xuất nhưng sản phẩm đơn điệu, khả năng cạnh tranh không cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Công tác hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ tuy có quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do đa phần DN đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Còn nhiều đối tượng thụ hưởng chưa tiếp cận đầy đủ thông tin và chính sách KC của Trung ương, của tỉnh...

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp: Tăng cường vai trò công tác thông tin, tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách KC. Nâng cao chất lượng chuyên mục KC trên Báo Đồng Khởi và mở chuyên mục KC trên Đài Phát thanh - Truyền hình Bến Tre. Tăng cường khảo sát thực tế tại cơ sở CN-TTCN để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, những nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng nội dung hoạt động KC hàng năm nhằm triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao. Quan tâm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ KC kể cả cộng tác viên cấp huyện thông qua các lớp tập huấn, đào tạo và các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để trang bị kiến thức khởi sự DN, nâng cao kỹ năng quản trị DN, khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Hàng năm tổ chức đối thoại với các chủ DN để lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn. Đẩy mạnh hỗ trợ các DN CN-TTCN tiến hành các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm thị trường trong và ngoài nước thông qua việc tham gia các kỳ hội nghị, hội chợ, triển lãm để từ đó giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê lưu ý.

Công Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN