Nâng cao hiệu quả dạy môn Âm nhạc trong trường học
29/11/2024 - 05:16
BDK - “Âm nhạc là môn học nuôi dưỡng tâm hồn và cái nhìn thẩm mỹ cao đẹp cho mỗi người. Hãy cảm thụ và vận dụng âm nhạc vào cuộc sống hàng ngày để lan tỏa tình yêu thương, nhân ái đến tất cả mọi người xung quanh”, cô Trần Kim Hồng Phúc - Giáo viên Trường THCS An Bình Tây (Ba Tri) gửi lời nhắn đến các em học sinh (HS).
Học sinh Trường THCS An Bình Tây thực hành thổi sáo.
Phát triển năng lực âm nhạc
Từ nhận thức về tầm quan trọng của bộ môn Âm nhạc đối với sự phát triển toàn diện của HS, 18 năm chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ, cô Hồng Phúc luôn quan niệm rằng “mình thực sự cần nhập tâm vào việc dạy học và đích đến của mình là khai phá năng lực của từng HS”. Trong suốt quá trình công tác, cô luôn tìm kiếm, sáng tạo phương pháp giảng dạy để phát triển năng lực âm nhạc của các em. Mới đây, sáng kiến “Nâng cao hiệu quả mạch nội dung nhạc cụ để phát triển năng lực âm nhạc cho HS THCS” của cô Hồng Phúc được công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Theo nhận xét của Hội đồng xét duyệt, đánh giá hiệu quả và phạm vi áp dụng sáng kiến trên địa bàn tỉnh năm 2024, sáng kiến đem lại hiệu quả tốt và có thể nhân rộng.
Chia sẻ về sáng kiến, cô Hồng Phúc cho biết: Thông qua bộ nhạc cụ góp phần phát triển toàn diện năng lực âm nhạc về: mắt nhìn, tai nghe, tay chơi nhạc cụ, cảm thụ, thực hành, ứng dụng… Qua đó, giúp HS có thêm lựa chọn mang tính thiết thực, hào hứng với mạch nhạc cụ khi luyện ở lớp. Hoạt động âm nhạc với tập thể, các em sẽ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, thể hiện được thế mạnh bản thân.
Em Trần Lê Tường Vy - HS lớp 83 Trường THCS An Bình Tây cho biết: Âm nhạc là môn học thoải mái, với nhiều cảm xúc vui vẻ, hào hứng. Đây là bộ môn năng khiếu em có thể luyện tập mọi lúc, mọi nơi trong thời gian rãnh. Học môn Âm nhạc giúp tinh thần em phấn khởi, giải tỏa căng thẳng sau những buổi học. Cùng lớp, bạn Nguyễn Thành Đạt chia sẻ: “Nhạc cụ môn Âm nhạc em học, gồm: phách, sáo, gõ bo. Có nhạc cụ em vừa học vừa thực hành nên hứng khởi hơn, tiết học môn này trở nên thú vị và mới lạ”.
Theo cô Hồng Phúc, để đưa nhạc cụ vào giảng dạy, giáo viên cần chú ý đến mạch nội dung nhạc cụ tiết tấu. Đồng thời, khai thác triệt để các nhạc cụ tiết tấu có trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thể hiện qua các bài thực hành nhạc cụ tiết tấu ở mỗi chủ đề bao gồm cả bộ gõ cơ thể. Hòa tấu giữa hát và các nhạc cụ tiết tấu giúp HS hình thành các kỹ năng: ca hát, tai nghe, cảm âm, thực hành tiết tấu, chơi nhạc cụ, phối hợp nhịp nhàng cùng bạn, luyện tập theo nhóm… Đặc biệt, được thể hiện đúng nội dung thế mạnh của mình.
“Mỗi HS có một năng lực, sở trường riêng biệt. Khi dùng năng khiếu hát - múa để làm thước đo năng khiếu âm nhạc thì sẽ có rất nhiều tài năng bị bỏ quên. Nhiều HS cảm thấy chán nản với môn học này. Bởi năng khiếu âm nhạc còn thể hiện ở khả năng thể hiện tiết tấu, chơi nhạc cụ, cảm thụ âm nhạc, ứng dụng sáng tạo… Do đó, người giáo viên cần có sự quan sát tinh tế, phán đoán chính xác qua quá trình thực hành của HS mà phân công nhiệm vụ”, cô Phúc lưu ý.
Hướng đến giáo dục toàn diện
Hiệu trưởng Trường THCS An Bình Tây Đào Minh Hải cho biết: “Sáng kiến của cô Phúc đã được áp dụng tại đơn vị. Đây là một lựa chọn mang tính thiết thực làm cho HS hào hứng với mạch nội dung nhạc cụ. Từ đó, phát triển toàn diện năng lực âm nhạc của các em. Những em không có năng khiếu ca hát, nhảy múa bắt đầu đam mê âm nhạc hơn khi tìm ra được năng lực sở trường của mình là gõ trống, thực hành bộ gõ cơ thể, thổi sáo Recorder, chơi Tambourine... Các em cùng luyện tập, cùng chơi dần dần rèn luyện kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu, thuyết phục, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ, lập kế hoạch… góp phần hoàn thiện phẩm chất, năng lực cần có của một công dân mẫu mực trong tương lai. Các em giảm bớt la cà, lập nhóm tán gẫu, chơi game ảo, lướt Facebook, TikTok… thay vào đó là vui chơi giải trí lành mạnh, xả stress sau thời gian học tập căng thẳng”.
Có thể nói âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Âm nhạc không chỉ đơn thuần là học nhạc lý thuyết, học chai thuộc lời mà đòi hỏi HS phải được trải nghiệm đa giác quan: mắt nhìn, tai nghe, miệng hát, vận động cơ thể, tiếp xúc và chơi nhạc cụ, hợp tác cùng bạn, phát huy óc sáng tạo không ngừng và phát triển các năng lực thực hành, cảm thụ, ứng dụng âm nhạc.
Theo chia sẻ của cô Phúc, sử dụng âm nhạc để giáo dục thẩm mỹ tức là phải hướng HS đến cái tốt đẹp, giúp các em hiểu được giá trị của cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Giáo dục thẩm mỹ được thể hiện qua ca từ, nội dung bài hát, giai điệu của bài hát… Do đó, hoạt động âm nhạc là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc, giúp HS ghi nhớ và hình thành các yếu tố thẩm mỹ - đạo đức - trí tuệ. Đồng thời, giúp cho HS học tập, trau dồi những kỹ năng cơ bản về văn hóa nghệ thuật, khả năng cảm thụ và đánh giá các tác phẩm nghệ thuật, cũng như hiểu được giá trị cái đẹp và ngôn ngữ của cái đẹp trong các loại hình nghệ thuật.
“Ngày nay, các em HS cập nhật xu hướng rất nhanh, sự tiếp xúc và cảm thụ trí, đức, mỹ của các em hết sức mạnh mẽ. Vì thế, giáo viên và phụ huynh phải theo dõi, quan sát, kịp thời uốn nắn và dẫn dắt các em cảm thụ cái hay, cái đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, chọn lọc xu hướng hiện đại để tiến bộ hơn, tránh sa đà vào những văn hóa sai lệch”.
(Cô Trần Kim Hồng Phúc - Giáo viên Trường THCS An Bình Tây, huyện Ba Tri)