Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, năm 2020, Bộ tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động. Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thành 100% các đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.
Năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ tổ chức Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”; đẩy mạnh gắn kết hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; đặt hàng đào tạo tạo nghề, đào tạo thí điểm theo Chương trình chuyển giao từ Đức và Australia; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng các chuẩn đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo…
“Với các giải pháp đồng bộ, chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, góp phần làm tăng chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp năm 2019 của Việt Nam lên 13 bậc. Công tác tuyển sinh có chuyển biến tích cực với khoảng 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết.
Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Trong đó, Bộ nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, hội chợ việc làm với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Đồng thời, duy trì và phát triển thị trường lao động ngoài nước; mở nhiều thị trường mới, tiềm năng ở khu vực châu Âu, ký Bản ghi nhớ về phái cử lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản.
Năm 2019, cả nước tạo việc làm trên 1,655 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch, trong đó, việc làm trong nước khoảng 1,508 triệu người; đưa trên 147.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ và các đơn vị triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay cả nước có trên 15,7 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 32,5% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt trên 545.000 người, hoàn thành trước 2 năm so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW); trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Sức ép về việc làm còn lớn, nhất là việc làm theo hướng bền vững và việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Việc dự báo, kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ở lại, gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có tăng nhưng tốc độ tăng còn chậm. Mạ̣ng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao; việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở năm cuối giai đoạn gặp nhiều khó khăn do đối tượng hộ nghèo còn lại tập trung nhiều ở nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội không có điều kiện và khả năng thoát nghèo. Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, phụ nữ vẫn còn ở mức cao, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Nguồn: Báo Tin tức