Nâng cao chất lượng hoạt động từ Công đoàn cơ sở

19/06/2019 - 14:06

BDK - “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh” là chủ đề của buổi tọa đàm do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức vào đầu tháng 6-2019. Buổi tọa đàm với sự tham gia của cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách và đại diện một số chủ tịch công đoàn cơ sở (CĐCS) đã nêu bật nhiều vấn đề cần quan tâm.

Đại biểu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tr.Quốc

Nhiều “vướng” cần tháo gỡ

Đại biểu đánh giá cao việc phân công ủy viên ban chấp hành CĐCS phụ trách tổ CĐ để kịp thời phổ biến các văn bản của CĐ các cấp đến với đoàn viên. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, hiện CĐCS tiếp nhận quá nhiều văn bản nên việc phổ biến đến đoàn viên gặp nhiều khó khăn. Bởi, cán bộ CĐ kiêm nhiệm và đoàn viên phải tập trung cho công việc chuyên môn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra CĐCS xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú Trần Hữu Trường cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát (KT, GS) nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc thì nâng cao việc chấp hành Điều lệ CĐ, sử dụng đúng tài sản, tài chính CĐ. Hàng năm, CĐ phải có kế hoạch KT, GS vừa đảm bảo số lượng vừa nâng cao chất lượng. Sau KT phải có kết luận, đảm bảo khách quan, đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm và kiến nghị. Cán bộ CĐ phụ trách KT, GS phải tiếp tục theo dõi việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm cũng như việc tham gia giải quyết các kiến nghị đã được đưa ra từ KT, GS trước đó. Để làm được điều này, cán bộ CĐ phụ trách KT, GS phải được tập huấn nghiệp vụ, quan trọng hơn nữa là có uy tín, năng lực.

Chủ tịch CĐCS Trường THPT Phan Thanh Giản (Ba Tri) Tống Thị Mỹ Ngọc cho rằng, CĐ có phối hợp với chính quyền trong chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần cho CĐ viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng chưa nhiều. Hạn chế chưa được tháo gỡ là việc hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho công nhân, viên chức, lao động; chế độ trực lễ, tết, ngoài giờ không có.

Đồng quan điểm, Chủ tịch CĐ ngành giáo dục Phạm Nghi Tiện cho rằng, Luật An toàn vệ sinh lao động có đề cập nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện nên còn bỏ ngỏ. Chế độ trực lễ, tết, ngoài giờ không có nên cán bộ, giáo viên các cấp học đều bức xúc. Ông trực tiếp hỏi bộ, ngành liên quan thì nhận câu trả lời như “trái bóng đá qua đá lại”. Trên thực tế, có cơ quan hành chính sự nghiệp giải quyết bằng việc đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm, từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị.

Nghị quyết số 7c/NQ-TLĐ ngày 25-2-2016 của Tổng Liên đoàn Việt Nam ở phần mục tiêu có nêu: Từ năm 2016, các CĐCS trong khu vực doanh nghiệp (DN) và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) với mức thấp nhất là 15 ngàn đồng, khuyến khích các DN nâng mức cao hơn. Một số DN vốn đầu tư nước ngoài có thực hiện việc này. Nhưng nhiều DN đòi hỏi CĐ phải cho biết cụ thể văn bản nào quy định để thực hiện. Còn dùng từ “vận động” thì DN viện cớ hiện chưa đủ khả năng thực hiện. LĐLĐ tỉnh cần có kiến nghị cấp trên quy định chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ.

Quan tâm Hoạt động của CĐCS

Là đơn vị khá thành công trong thỏa thuận với người sử dụng lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể theo chiều hướng có lợi hơn cho NLĐ, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May mặc Alliance One Phạm Văn Minh chia sẻ: “Ban chấp hành CĐCS phải chuẩn bị chu đáo nội dung thỏa ước lao động tập thể trên cơ sở lấy ý kiến từng tổ CĐ. Ban chấp hành CĐCS phải lựa chọn thời điểm hợp lý để trình với người sử dụng lao động. CĐ phải khẳng định vai trò trung gian trong hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ”.

Chủ trì buổi tọa đàm cho rằng, kiến nghị cần bố trí 1 chủ tịch CĐCS xã, phường làm chuyên trách là không thực hiện được, bởi theo quyết định của Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn thì chỉ áp dụng cho CĐCS ở DN có đủ 1.000 đoàn viên trở lên, còn đối với CĐCS ở xã, phường thì hiện chưa có quy định. Việc thu 2% kinh phí CĐ trong các DN chưa có tổ chức CĐ, về nguyên tắc phải thu. Tổ chức CĐ quan tâm đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về “tín dụng đen” để NLĐ không vướng vào. CĐ giới thiệu NLĐ tiếp cận nguồn vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP Chi nhánh Bến Tre. Hiện CEP Chi nhánh Bến Tre hoạt động hiệu quả tốt và đang mở rộng địa bàn cho vay.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Song Toàn cho biết, LĐLĐ tỉnh sẽ tổng hợp tất cả ý kiến tại buổi tọa đàm cũng như đề xuất, kiến nghị của các cấp CĐ tại tọa đàm CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức trước đó. Một số ý kiến thuộc thẩm quyền của các ban cần giải quyết ngay, tạo điều kiện thuận lợi cho CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS triển khai hoạt động. CĐ tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục các DN chưa có tổ chức CĐ trích nộp 2% kinh phí CĐ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phan Song Toàn đánh giá cao hoạt động tại CĐCS. Bởi tất cả các hoạt động đều tập trung ở đây, ngay cả kinh phí CĐ cũng tập trung cho CĐCS. Nếu CĐCS không mạnh thì chắc chắn ảnh hưởng đến việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên. Ông đề nghị cán bộ CĐ phải thể hiện nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao đối với tổ chức CĐ, với đoàn viên. Trường hợp cán bộ CĐ hoạt động cho có, cầm chừng thì mạnh dạn đề xuất thay đổi để không làm yếu tổ chức CĐ, ảnh hưởng đến chăm lo lợi ích cho đoàn viên.

Mai Minh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN