Nâng cao chất lượng, hiệu quả của nhà máy cung cấp nước sinh hoạt nông thôn

08/08/2022 - 05:37

BDK - Chi cục Thủy lợi vừa phối hợp với các sở, ban, ngành, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, UBND các xã có nhà máy nước (NMN) trên địa bàn các huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, vận hành, hiện trạng hoạt động và chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước trên địa bàn 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm. Qua công tác kiểm tra, cho thấy nhiều nỗ lực cố gắng của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT), các doanh nghiệp (DN) đầu tư lĩnh vực này để đưa nước sạch tới từng hộ gia đình, nhưng đồng thời cũng còn nhiều bất cập cần có giải pháp chấn chỉnh.

Khảo sát nguồn cung cấp nước tại Nhà máy nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri.

Thực trạng hoạt động của các nhà máy nước

Theo TTNS&VSMTNT, hiện các NMN do đơn vị này quản lý gồm: NMN Thới Lai, Tân Mỹ, Châu Bình, Hưng Nhượng. Đối với NMN Thới Lai, công suất hiện tại 190m3/h, phục vụ cho 4.780 hộ dân, đạt tỷ lệ 70%/vùng cấp nước của 4 xã Thới Lai, Phú Vang, Vang Quới Tây và Vang Quới Đông. Nguồn cấp nước chính sông Ba Lai. NMN Tân Mỹ, công suất hiện tại 440m3/h, phục vụ khoảng 21 ngàn hộ, đạt tỷ lệ 79,93%/vùng cấp nước của 17 xã và thị trấn Ba Tri gồm: Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Tân Mỹ, Tân Xuân, Phước Ngãi, Phú Lễ, Vĩnh Hòa, An Bình Tây, Vĩnh An, Mỹ Nhơn, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Hòa Tây, Tân Thủy, An Thủy, An Đức, An Hiệp. Nguồn cấp nước từ sông Ba Lai và kênh Vàm Hồ. Hiện tại NMN Tân Mỹ còn khoảng 20,07%/vùng cấp nước người dân chưa dùng nước, nguyên nhân chủ yếu do số hộ dân sống vùng sâu, xa, thưa, sống dọc bên bờ kênh thủy lợi, hệ thống thủy lợi nên nhu cầu dùng nước của các hộ dân không cao. NMN Châu Bình, công suất hiện tại 120m3/h, phục vụ khoảng 4.417 hộ, đạt tỷ lệ 96,8%/vùng cấp nước của 3 xã Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm và 1 nhánh với khoảng 30 hộ thuộc ấp Hồ Sen, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm. Nguồn cấp nước từ sông Ba Lai và cống Trung Nhuận. NMN Hưng Nhượng, công suất 50m3/h, phục vụ khoảng 1.408 hộ, đạt tỷ lệ 74,1%/vùng cấp nước của 2 xã Hưng Nhượng và Hưng Lễ. Nguồn cấp nước từ sông Bún Thợ Cầm.

Các NMN do DN quản lý gồm: Ba Lai, Kênh Lấp, An Hiệp, Đan Mạch, NMN sạch huyện Bình Đại. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại N.I.D ông Đặng Hồng Kỳ, NMN Ba Lai do công ty này khai thác. Công suất hiện tại 15.000m3/ngày/đêm, phục vụ khoảng 6.636 hộ, đạt tỷ lệ 66,36%/vùng cấp nước của 5 xã: Thừa Đức, Thạnh Phước, Thới Thuận, Bình Thắng và ấp 6, Thạnh Trị. Nguồn cấp nước từ sông Ba Lai. Hiện tại, NMN Ba Lai đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới cấp nước phục vụ khoảng 300 hộ dân thuộc ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức. Dự kiến đến năm 2025 khi các mạng lưới tuyến ống được đầu tư bao quanh khu vực các xã biển sẽ nâng tỷ lệ hộ dân dùng nước sạch đạt tỷ lệ 96% số hộ dùng nước. NMN Kênh Lấp cũng do Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại N.I.D khai thác. Công suất hiện tại 5.000m3/ngày đêm, phục vụ khoảng 3,1 ngàn hộ, đạt tỷ lệ 68,88%/vùng cấp nước của 4 xã: Tân Thủy, Bảo Thuận, An Thủy và An Hòa Tây. Nguồn cấp nước từ Kênh 9A và hồ Kênh Lấp. Hiện tại, còn số lượng nhỏ người dân chưa sử dụng nước sạch từ các NMN do sống xa vùng nước, sống riêng lẻ nên chưa có nhu cầu dùng nước mà chỉ sử dụng các vật chứa để dự trữ. Đến năm 2025 nhà máy sẽ nâng công suất phục vụ 4,5 ngàn hộ của 4 xã, đạt tỷ lệ 99%. NMN An Hiệp do Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại N.I.D khai thác. Công suất hiện tại 1.200m3/ngày/đêm, phục vụ khoảng 2,1 ngàn hộ, đạt tỷ lệ 90%/vùng cấp nước của 2 xã An Hiệp và An Đức. Hiện tại, còn lại 10%/vùng cấp nước người dân chưa dùng nước, nguyên nhân chủ yếu do số hộ dân sống vùng sâu, xa, thưa, một số ít hộ dân nằm ở phía Cồn Đất (khoảng 100 hộ) thuộc xã An Hiệp nên mạng lưới cấp nước chưa đến được để phục vụ nhu cầu dùng nước của người dân. Dự kiến đến năm 2025, nhà máy sẽ đấu nối cung cấp nước phục cho các hộ dân có nhu cầu dùng nước còn lại để đạt 99%/vùng cấp nước của 2 xã: An Hiệp và An Đức. NMN Đan Mạch của Công ty TNHH Đan Mạch, công suất hiện tại 500m3/h, phục vụ khoảng 12 ngàn hộ, đạt tỷ lệ 99%/vùng cấp nước của 4 xã Thạnh Trị, Bình Thới, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị và thị trấn Bình Đại. Nguồn cấp nước từ sông Ba Lai.

Hiệu quả hoạt động của các nhà máy nước

Qua kết quả kiểm tra các NMN do TTNS&VSMTNT quản lý, cho thấy trong những năm qua, trung tâm chú trọng hiệu quả về mặt xã hội, nhiều công trình ưu tiên đầu tư nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước cho vùng sâu, vùng xa, những khu vực khó khăn, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là tập trung cho các xã bãi ngang ven biển và xã điểm xây dựng nông thôn mới. Chất lượng nước các nhà máy thuộc trung tâm được kiểm soát chặt chẽ tuân thủ theo Thông tư 41 của Bộ Y tế và thực hiện xét nghiệm định kỳ 1 tháng/lần theo QCVN 01-1:2018/BYT. Trung tâm chú trọng công tác kiểm soát thất thoát nước, tỷ lệ thất thoát nước giảm qua từng năm, hiện tại, tỷ lệ thất thoát nước bình quân năm khoảng 22%. Nguyên nhân chủ yếu từ mạng lưới cấp nước của nhà máy đã xuống cấp cục bộ, thời gian sử dụng đã lâu, nhà máy đã thực hiện cải tạo dần, tuy nhiên vẫn chưa đạt được 100%. Giá nước TTNS&VSMTNT là 8.000 đồng/m3 đã có thuế, chưa có phí bảo vệ môi trường.

Khảo sát tại Nhà máy nước An Hiệp, huyện Ba Tri.

Đối với các NMN do DN quản lý, thì cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành NMN đảm bảo cung cấp nước sạch nông thôn cho người dân. Tỷ lệ thất thoát nước của NMN Ba Lai còn cao do đường ống bị mục khoảng 10km, nguyên nhân chủ yếu từ mạng lưới cấp nước của nhà máy đã xuống cấp cục bộ, thời gian sử dụng đã lâu, nhà máy đã thực hiện cải tạo dần tuy nhiên vẫn chưa đạt được 100%. Trong năm 2022, nhà máy tiếp tục thực hiện cải tạo các tuyến ống có nguy cơ rò rỉ để giảm thất thoát nước. Chất lượng nước các nhà máy tư nhân được cải thiện, chất lượng nước đầu ra thực hiện theo Thông tư 41 của Bộ Y tế, thực hiện xét nghiệm định kỳ 1 tháng/lần theo QCVN 01-1:2018/BYT. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà máy chưa thực hiện tốt công tác nội kiểm. Giá nước trung bình của các NMN thuộc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại N.I.D là 10.000 đồng/m3; NMN Đan mạch là 9.600 đồng/m3.

Giải pháp thời gian tới

Qua khảo sát, đoàn công tác nhận thấy các NMN vẫn còn một số mặt hạn chế trong công tác quản lý và điều hành. Đa số NMN lấy nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, phụ thuộc vào lịch vận hành của hệ thống công trình. Công tác phối hợp giữa các NMN với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi, chính quyền địa phương chưa được thường xuyên trong công tác kiểm tra và bảo vệ chất lượng nguồn nước. Một số NMN thực hiện công tác nội kiểm về chất lượng nước chưa đúng theo thời gian quy định. Quản lý nước sạch nông thôn có liên quan đến nhiều sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý.

Theo Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Nguyễn Quang Thương, để công tác quản lý nước sạch nông thôn được đảm bảo chất lượng, an toàn, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn trong thời gian tới, các đơn vị cung cấp nước cần chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Phòng NN&PTNT, UBND các xã tăng cường kiểm tra nạo vét khơi thông dòng chảy và có kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi cho phù hợp, đảm bảo cung cấp nước cho người dân, hạn chế ô nhiễm nguồn nước. Phối hợp với Phòng NN&PTNT, UBND xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân bảo vệ nguồn nước, sử dụng tiết kiệm nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, không xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm chất lượng nước sạch định kỳ đúng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước đầu vào, nước cấp ra mạng về độ mặn, độ đục, mùi lạ trong nước. Phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu dùng nước của hộ dân trong khu vực để có hoạt động nâng cấp công suất nhà máy, mở rộng, nâng cấp tuyến ống để đảm bảo công suất, nâng cao hiệu suất trong hoạt động cấp nước cho người dân, nhất là trong mùa hạn mặn. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi rà soát, đánh giá nhu cầu dùng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, vùng, khu vực để có kế hoạch cung cấp nguồn nước cho phù hợp.

Để ứng phó hạn mặn năm 2022-2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, các DN cấp nước tư nhân đã lập kế hoạch chung cho các nhà máy và sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, UBND các xã để thống nhất lịch vận hành cống lấy nước phù hợp với việc bơm, cấp nước cho người dân sử dụng. Công tác vận chuyển nước bằng sà lan gặp nhiều khó khăn do kinh phí lớn, nhà máy đặt tại vị trí các kênh, rạch nhỏ. Do đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, các DN cấp nước tư nhân đã hoàn tất bảo dưỡng hệ thống lọc mặn RO tại các NMN, sẵn sàng cấp nước phục vụ miễn phí nhu cầu thiết yếu của người dân trong mùa hạn mặn 2022-2023.

 Bài, ảnh: Hoàng Phương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN