Nâng cao chất lượng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh

15/11/2023 - 06:44

BDK - Ngày 14-11-2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) tỉnh”. Nhiều tham luận của đại biểu đến từ các sở, ngành tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố, giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh, với nội dung tập trung đánh giá kết quả tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho TTN, NĐ tỉnh trong những năm qua. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng tổ chức cuộc thi trong những năm tới.

Đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm. Ảnh: Tr. Quốc

Khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo

Năm 2023 huyện Mỏ Cày Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành quả tích cực trong tham gia Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ tỉnh. Đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Mỏ Cày Nam nhận xét: Cuộc thi có tầm quan trọng, mang ý nghĩa to lớn, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo của TTN, NĐ. Hướng TTN, NĐ vào các hoạt động thực tiễn. Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành những nhà sáng chế trong tương lai. Cuộc thi tạo ra môi trường sáng tạo để tuổi trẻ vận dụng những tri thức đã được học, những kỹ năng đã được rèn luyện, tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, việc học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội.

Theo thầy Lê Đăng Khoa - Giáo viên Trường THPT Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc): Cuộc thi Sáng tạo dành cho TTN, NĐ tỉnh là một trong những điều kiện quan trọng trong khuyến khích sự rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo cho các em học sinh. Để đạt được thành tích cao trong cuộc thi này, việc xây dựng và tổ chức hoạt động câu lạc bộ (CLB) tại nhà trường là vô cùng quan trọng. Qua việc tạo ra môi trường học tập, hỗ trợ từ giáo viên, phát triển kỹ năng làm việc nhóm và tổ chức các hoạt động đào tạo, CLB giúp các em nắm vững kiến thức và kỹ năng cần thiết để đạt được thành công trong cuộc thi. Ngoài ra, các hoạt động như thực hành, trình bày và gắn kết đồng đội cũng đóng góp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng thực hiện ý tưởng sáng tạo. Cuộc thi tạo ra môi trường sáng tạo để tuổi trẻ vận dụng những tri thức đã được học, những kỹ năng đã được rèn luyện, tìm tòi, suy nghĩ, sáng tạo những sản phẩm, những giải pháp hữu ích, có hàm lượng trí tuệ cao, góp phần phục vụ sản xuất, đời sống, việc học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động xã hội.

Vai trò người đứng đầu

Theo thầy Nguyễn Quốc Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nghĩa (Chợ Lách): “Với vai trò là cán bộ quản lý trường học, ngay khi Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh phát động cuộc thi đầu tiên, tôi tổ chức xây dựng kế hoạch hưởng ứng cuộc thi và triển khai đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Hàng tuần, sinh hoạt dưới cờ đều nhắc nhở, động viên giáo viên và học sinh nghiên cứu từ những bài học và kiến thức đã học để tìm ra ý tưởng sáng tạo. Bản thân hiệu trưởng bắt tay vào nghiên cứu đồng hành cùng giáo viên và học sinh”.

Từ việc vận dụng kiến thức, những sản phẩm đã có, những nghiên cứu của hiệu trưởng, giáo viên và học sinh quy tụ lại thành danh mục các ý tưởng khởi đầu cho việc tạo ra sản phẩm dự thi. Hiệu trưởng tổ chức cuộc họp, với thành phần, gồm: giáo viên, những học sinh có ý tưởng và những học giỏi của các lớp mà chưa có ý tưởng để thống nhất các ý tưởng, chọn ra những ý tưởng nào hiện thực hóa bằng sản phẩm thì phân công giáo viên phụ trách hướng dẫn các em tạo ra sản phẩm. Khi học sinh có ý tưởng khả thi để tạo ra sản phẩm, hiệu trưởng phải là người tạo bệ phóng cho giáo viên và học sinh. Phải quan tâm theo dõi, đôn đốc, động viên và sẵn sàng thực hiện xã hội hóa nguồn kinh phí cho các em thực hiện. Hiệu trưởng cũng tham gia vào việc hướng dẫn cả giáo viên và học sinh để cùng các em tạo ra được sản phẩm.

 “Với những việc làm của tôi cùng với sự nhiệt tình của giáo viên hướng dẫn học sinh các trường nên hàng năm huyện Chợ Lách có ít nhất 3 sản phẩm đạt giải cấp tỉnh. Năm 2023, có 1 sản phẩm đạt giải nhất cuộc thi và được dự thi vòng toàn quốc”, thầy Nguyễn Quốc Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Nghĩa cho biết.

Sản phẩm dự thi từ thực tế địa phương

Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Thạnh Phú) Mai Hoàng Nhi cho biết: Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để học sinh tham gia và đạt nhiều giải cao trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật và sáng tạo TTN, NĐ cấp tỉnh. Trường đạt 2 giải nhì tại Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ tỉnh năm 2022, 2023, với 2 đề tài: “Chế tạo máy chuốt cọng dừa nâng cao năng suất lao động”, “Thiết bị đa năng hỗ trợ xử lý ao và cho tôm con ăn đạt hiệu quả hơn”. Trong đó, sản phẩm “Chế tạo máy chuốt cọng dừa nâng cao năng suất lao động” gắn với hoạt động của làng nghề bó chổi ở xã Mỹ An và đề tài “Thiết bị đa năng hỗ trợ xử lý ao và cho tôm con ăn đạt hiệu quả hơn” gắn với hoạt động nuôi trồng thủy sản, một thế mạnh của huyện Thạnh Phú trong giai đoạn hiện nay.

“Sản phẩm dự thi góp phần cụ thể hóa việc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương, vừa mang ý nghĩa thực tiễn, vừa mang ý nghĩa giáo dục to lớn đối với hoạt động dạy và học ở nhà trường. Ngoài việc phát huy được tính sáng tạo, tích cực của học sinh, gắn lý thuyết đã được học với thực tiễn lao động sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tìm tòi, nghiên cứu các sản phẩm sáng tạo ở các em học sinh. Bên cạnh đó còn tạo ra những sản phẩm đa dạng, hiệu quả đối với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng của Cuộc thi Sáng tạo thanh TTN, NĐ tỉnh”, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh Mai Hoàng Nhi nhấn mạnh.

Ý tưởng mang lại lợi ích thiết thực

Theo giáo viên Trường Tiểu học - THCS Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam) Ngô Song Đào: “Hàng năm, tôi kết hợp với Tổng phụ trách Đội, phát động cuộc thi sáng tạo TTN, NĐ. Trong giờ sinh hoạt dưới cờ, tôi trao đổi với các em về mục đích của cuộc thi. Khi tham gia, các em được phát tư duy như thế nào. Các em đạt giải đem niềm vui về cho cha mẹ, nhà trường. Đặc biệt, các em làm quen và học cách làm việc của nhà khoa học, nhà sáng chế, là nền tảng để các em phát triển nghề nghiệp sau này. Tôi hướng dẫn học sinh cách tìm ý tưởng từ thực tế cuộc sống và thông báo ngày tập trung trình bày ý tưởng”.

Các ý tưởng của các em được cô Đào lưu lại trong ngân hàng ý tưởng. Nếu ý tưởng lớn quá tầm thì định hướng các em tìm ý tưởng khác phù hợp hơn. Nhưng cô Đào tiếp tục cùng các em nghiên cứu ở những năm sau. Do đó, có ý tưởng nêu từ lớp 6 nhưng mãi đến lớp 8, lớp 9 mới thực hiện.

“Mỗi năm, tôi chọn ý tưởng tốt, tạo sản phẩm chủ lực để trường đạt giải. Đối với ý tưởng chủ lực phấn đấu đạt giải, tôi tập hợp học sinh có năng khiếu phù hợp với ý tưởng của các khối lớp, huấn luyện cho các em phương pháp làm việc nhóm. Em nhóm trưởng là em đưa ra ý tưởng. Các em khác có năng lực, có kiến thức mà em nhóm trưởng bị thiếu sẽ bổ trợ hoàn thiện sản phẩm. Còn các ý tưởng khác của các em thì làm độc lập. Tôi là người phản biện”, cô Đào cho biết.

Trần Quốc (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN