Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu khai mạc Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Ảnh tư liệu: Huỳnh Sơn/TTXVN.
Phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 6 chương, 56 điều.
Về những điểm mới, Luật đã tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin truyền thông, giáo dục; nội dung tư vấn, đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, sửa đổi quy định về hòa giải nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành vi bạo lực gia đình; bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình và sử dụng âm thanh, hình ảnh về hành vi bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý trong phòng, chống bạo lực gia đình, khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; khuyến khích xã hội hóa, nâng cao trách nhiệm của nhà nước trong bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả…
Cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ
Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều.
Theo đó, Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập Thanh tra sở; hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành Kết luận thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước. Chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.
Đáng chú ý, Luật cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra tổng cục, cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.
Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong trường hợp: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 6 chương, 91 điều.
Luật đã hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đáng chú ý, về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, đối với mục nhân dân bàn và quyết định, quy định cụ thể: Những nội dung nhân dân bàn và quyết định; đề xuất nội dung để nhân dân bàn và quyết định; hình thức nhân dân bàn và quyết định; quyết định của cộng đồng dân cư; trách nhiệm của UBND cấp xã, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và nhân dân trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư.
Bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên
Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều. Việc xây dựng Luật Dầu khí năm 2022 đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về năng lượng. Đồng thời, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, ngành.
Các giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN
Luật Dầu khí bao gồm một số điểm mới như: Bổ sung chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí; bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt hơn cho nhà thầu. Luật cũng bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí có chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án phát triển mỏ dầu khí.
Luật bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu; bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí...
Hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên tần số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả với trách nhiệm và chế tài rõ ràng.
Nổi bật, Luật đã tạo cơ chế cạnh tranh và tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn triển khai để các doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư kinh doanh hoạt động viễn thông bằng việc xác định rõ băng tần dành cho thông tin di động được phân bổ, cấp quyền sử dụng thông qua cơ chế đấu giá, thi tuyển. Việc đấu giá, thi tuyển dựa trên các tiêu chí mức trả tiền cấp quyền sử dụng tần số và cam kết của doanh nghiệp về phát triển về mạng viễn thông.
Luật bổ sung cơ chế trong trường hợp không có sự thay đổi của nhà nước về quy hoạch băng tần thì cho phép các doanh nghiệp đã được cấp phép sử dụng tài nguyên tần số, sau khi hoàn thiện đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước và cam kết thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng trong chu kỳ tiếp theo được cấp lại giấy phép.
Điểm mới nữa là sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện để điều tiết, duy trì sự cạnh tranh của thị trường viễn thông với việc bổ sung quy định mới về giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng; bổ sung quy định cho phép cấp quyền sử dụng tần số thông qua thi tuyển để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới gia nhập thị trường kinh doanh viễn thông…
Nguồn: TTXVN