Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân trước khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 5-12-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 9-12-2020 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 68.499.362 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.561.483 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 47.417.530 người, 19.520.093 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.080 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (166.388 ca), Brazil (46.934 ca) và Ấn Độ (26.097 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.430 ca), tiếp theo là Brazil (771 ca) và Nga (562 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 292.928 ca tử vong trong tổng số 15.549.362 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 141.398 ca tử vong trong số 9.735.975 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 178.159 ca tử vong trong số 6.674.999 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 150 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 110 người) và Tây Ban Nha (100 người).
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Worcester, Massachusetts (Mỹ) ngày 4-12-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ: Ông Biden cam kết 100 triệu liều vaccine COVID trong 100 ngày đầu tiên
Phát biểu trong sự kiện giới thiệu các thành viên chủ chốt của đội ngũ y tế, ngày 8-12-2020 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Joe Biden đã vạch ra 3 mục tiêu cho 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, bao gồm "khẩu trang, tiêm chủng và mở cửa trường học".
Ông cho biết sẽ ký sắc lệnh yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc trong các toà nhà liene bang và khi di chuyển liên bang trên phương tiện công cộng. Vị Tổng thống đắc cử cam kết sẽ thực hiện 100 triệu liều tiêm vaccine phòng COVID trong 100 ngày đầu, và ưu tiên thứ ba là đưa học sinh quay trở lại trường học.
Trong khi đó, các trường tiểu học công lập tại thành phố New York (Mỹ) đã mở cửa đón học sinh trở lại. Tuy nhiên, giới chức cảnh báo hoạt động ăn uống trong nhà tại các nhà hàng có thể tạm thời bị cấm trong vài ngày tới, nếu số ca nhập viện do mắc COVID-19 vẫn ở mức cao. New York là một trong những nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất ở Mỹ song sự gia tăng số ca mắc trong thời gian gần đây, cùng với số người nhập viện tăng mạnh khiến nhà chức trách lo ngại.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở San Fernando, California, Mỹ, ngày 24-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại bang California, đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất nước Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực trong ngày 7-12-2020 với khoảng 33 triệu cư dân phải tuân thủ lệnh ở trong nhà. Bang đông dân nhất cả nước này đang có số ca nhiễm bệnh COVID-19 liên tục đạt những mốc cao mới, trong khi giường bệnh điều trị tích cực trong các bệnh viện hoạt động hết công suất. Theo lệnh phong tỏa mới, hầu hết các văn phòng phải đóng cửa và việc tụ tập giữa các hộ gia đình khác nhau cũng bị cấm. Các quán bar và các loại hình kinh doanh dịch vụ như tiệm làm tóc cũng phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đồ mang đi. Thống đốc bang California Gavin Newsom cho biết lệnh ở trong nhà mới ảnh hưởng tới phần lớn cư dân bang này, đồng thời cảnh báo hệ thống y tế bang có nguy cơ "quá tải".
FDA "bật đèn xanh" cho vaccine của Pfizer
Các hãng dược phẩm Pfizer Inc. (Mỹ) và BioNTech (Đức) ngày 8-12-2020 đã vượt qua rào cản tiếp theo trong cuộc chạy đua để vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà 2 hãng này phát triển được phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo một tài liệu do Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công bố ngày 8-12-2020, những dữ liệu thu thập được từ 38.000 người đã tham gia thử nghiệm tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 do 2 hãng trên phối hợp phát triển đã cho thấy "không có mối lo ngại đặc biệt nào về tính an toàn" của loại vaccine này.
Cũng tại châu Mỹ, Chile thông báo lệnh phong tỏa mới tại thủ đô Santiago sau khi số ca mắc mới COVID-19 tăng đột biến trong tuần qua. Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết biện pháp trên được đưa ra nhằm tránh áp đặt một lệnh cách ly hoàn toàn. Quốc gia 19 triệu dân này đã phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên từ tháng 3 và chạm đỉnh hồi tháng 6 với mức trung bình hơn 5.000 ca nhiễm mới/ngày. Ở thời điểm đó, Chile đứng thứ hai trên thế giới, sau Qatar, về tỷ lệ ca nhiễm tính theo trung bình đầu người
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng chờ nhận hàng phân phát tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 19-11-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Âu: Số ca mắc COVID-19 vượt 20 triệu người
Theo số liệu của hãng tin AFP (Pháp), tính tới 20h15 ngày 8-12-2020 (theo giờ VN), châu Âu đã ghi nhận trên 20 triệu ca mắc COVID-19.
Châu Âu hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Trong tổng số ca mắc COVID-19 mới được phát hiện trên khắp thế giới trong vòng 7 ngày qua, có tới 40% số ca nhiễm ghi nhận tại lục địa này. Mặc dù vậy, tỷ lệ lây nhiễm dường như đang dần ổn định, với số ca mắc mới đã giảm 2% so với tuần trước.
Anh bắt đầu tiêm đại trà vaccine COVID của Pfizer
Ngày 8-12-2020, Anh bắt đầu cho lưu hành vaccine do hãng Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển để phòng ngừa COVID-19, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên triển khai tiêm chủng đại trà vaccine phòng ngừa bệnh dịch này. Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng việc sớm triển khai chủng ngừa vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ giúp kiềm chế làn sóng dịch bệnh. Anh xúc tiến kế hoạch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy 1 tuần sau khi phê duyệt đưa vaccine vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp, trước cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 4-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Pháp dỡ phong toả vào 15-12-2020
Tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 15-12-2020 nếu số ca mắc COVID-19 giảm xuống dưới mức 5.000 ca/ngày. Tuy nhiên, giới chức y tế cho rằng mục tiêu này khó thực hiện và nước Pháp vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch bệnh mới. Cụ thể, số ca nhiễm mới đã giảm từ mức kỷ lục 50.000 - 60.000 ca/ngày hồi cuối tháng 10-2020 xuống mức trung bình 10.000 ca/ngày trong tuần qua, nhưng tốc độ giảm đang chững lại trong vài ngày qua. Trong 24 giờ qua, Pháp đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc mới, trong khi số ca nguy kịch hiện là 3.210 ca, cao hơn mức tối đa đặt ra là 3.000 ca. Số ca tử vong tại Pháp được ghi nhận là 55.521.
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Hy Lạp kéo dài lệnh phong toả đến đầu tháng 1-2021
Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp thông báo kéo dài các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 đến ngày 7-1-2021, viện dẫn các biện pháp hạn chế áp dụng từ tháng trước chưa phát huy tác dụng. Ngoài việc các trường học, nhà hàng, câu lạc bộ, tòa án và trung tâm thể thao phải đóng cửa, việc đi lại giữa các vùng địa lý cũng bị cấm.
Với tốc độ lây nhiễm trong cộng đồng cao hơn 20% so với đợt phong tỏa trước, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết sẽ áp đặt quy định hạn chế số người tham gia tiệc Giáng sinh ở mức tối đa 9 người. Số liệu thống kê mới nhất cho biết hiện quốc gia này ghi nhận 118.045 ca nhiễm virus, trong đó có 3.194 ca tử vong.
Thổ Nhĩ Kỳ: Kỷ lục ca nhiễm mới theo ngày
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này có thêm 203 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại đây, nâng tổng số người không qua khỏi lên 15.103 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận thêm 32.137 ca nhiễm mới, trong đó có cả những trường hợp không có triệu chứng. Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt lệnh phong tỏa vào cuối tuần nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19.
Đức: Chưa đảo ngược được tình hình
Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo nước này sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để đảo ngược tình hình như mong muốn khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Trong 7 ngày qua, chỉ số lây nhiễm ở Đức là 145 ca/100.000 dân, cách khá xa so với mục tiêu 50 ca/100.000 dân mà Đức hướng tới để giới chức y tế có thể truy vết và phá vỡ các chuỗi lây nhiễm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó Italy vẫn là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Với 634 ca tử vong trong ngày 8-12-2020, quốc gia Nam Âu đã ghi nhận số nạn nhân tử vong do đại dịch vượt ngưỡng 61.000. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Italy hiện ở mức 3,47%, trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là 2,75% và 2,35%.
Do dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn từ nhiều tuần nay, chính phủ Italy đã thông báo một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào dịp nghỉ lễ cuối năm, như cấm di chuyển giữa các vùng từ ngày 21-12 tới 6-1-2021. Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo "chặng đường vẫn còn dài" và Italy cần phải ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể xảy ra từ tháng 1-2021 với mức độ tương đương lần 2.
Hiện châu Âu đang cân nhắc về chiến lược tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian sắp tới. Đến nay EU đã ký 6 hợp đồng đặt mua trước vaccine COVID-19, tương đương hơn 1,5 tỷ liều, và tỷ lệ vaccine phân phối sẽ được xác định theo tỷ lệ dân số của 27 quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, việc cấp phép cho vaccine của Pfizer và BioNTech thương mại hóa trên thị trường châu Âu đang được trông đợi trong những ngày tới.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 7-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Châu Á: Ấn Độ - ca nhiễm mới giảm đáng kể
Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ trong 24 giờ qua đã giảm đáng kể sau khi trong ngày 8-12-2020, nước này ghi nhận 26.567 ca dương tính với virus SARS CoV-2, mức thấp nhất trong 5 tháng qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 9,7 triệu ca, trong đó có 140.958 trường hợp tử vong. Những ngày qua, tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại các vùng dịch lớn ở Ấn Độ là Maharashtra, Kerala, Tây Bengal và Delhi đã chậm lại.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Srinagar, thủ phủ mùa hè của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 7-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Israel ban bố lệnh giới nghiêm
Nội các Israel cũng đã thông báo lệnh giới nghiêm ban đêm sau khi số ca nhiễm mới COVID-19 tăng mạnh trở lại. Theo đó, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ 8-12-2020. Trong suốt thời gian giới nghiêm, mọi hoạt động thương mại sẽ bị cấm, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi lại giữa các vùng, đồng thời tăng mạnh các mức phạt đối với những người vi phạm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tonekabon, Iran, ngày 6-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Campuchia đóng cửa trụ sở Bộ Nội vụ để cách ly và xét nghiệm COVID
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng, Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng đã chỉ đạo đóng cửa tạm thời tòa nhà Bộ Nội vụ, triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly 14 ngày đối với toàn bộ nhân viên, quan chức thuộc bộ này.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen khuyến nghị Bộ Y tế ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng đối với tất cả các nhân viên, quan chức thuộc Bộ Nội vụ sau sự cố lây nhiễm cộng đồng hôm 28-11-2020 liên quan tới gia đình ông Chem Savuth, Tổng Cục trưởng Tổng cục trại giam (thuộc Bộ Nội vụ Campuchia).
Bộ Giáo dục-Thanh niên và Thể thao Campuchia thông báo hoãn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (dự kiễn diễn ra trong ngày 21 và 22-12-2020) đến tháng 1-2021 do tình trạng lây nhiễm cộng đồng bùng phát. Trước đó, các trường tư thục tại Campuchia đã tạm thời đóng cửa trong 2 tuần.
Người dân Phnom Penh đeo khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia
Tới hết ngày 8-12-2020, Campuchia ghi nhận 350 ca COVID-19, tăng 2 ca so với một ngày trước.
Thái Lan dùng máy bay không người lái giám sát biên giới phòng COVID
Thái Lan đang tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới bằng cách triển khai các máy bay không người lái và camera siêu cực tím. Trước đó nước này phát hiện hàng chục ca COVID mới liên quan đến một thị trấn nằm giáp biên giới Myanmar. Ít nhất 16 người vượt biên trái phép trốn cách ly 14 ngày đã có kết quả dương tính kể từ cuối tháng 11 vừa qua, trong đó có 2 ca lây nhiễm cộng đồng liên quan đến nhóm người đến từ Myanmar.
Đường biên giới Thái Lan và Myanmar là một trong những thách thức then chốt trong kiểm soát lây lan dịch. Bên phía Myanmar đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trong vài tuần trở lại đây, liên tục ở mức 4 con số. Ngày 8-12-2020, Myanmar ghi nhận 1.308 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 101.739, trong đó có 2.151 ca tử vong. Có 64.056 bệnh nhân đã hồi phục.
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar, ngày 7-12-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Cho đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 4.107 ca mắc COVID-19, trong đó 3.868 ca đã bình phục, 179 trường hợp đang được điều trị và 60 người không qua khỏi.
Indonesia: Thúc đẩy tiếp cận sớm vaccine ngừa COVID-19
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi ngày 8-12-2020 cho biết, nước này đang tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao trong việc tiếp cận vaccine ngừa viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, ngày 6-12-2020, Indonesia đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac Biotech. Theo Ngoại trưởng Retno, để vaccine sớm về trong nước, Bộ Ngoại giao Indonesia đã phối hợp với các cơ quan bộ ngành trong nước, đồng thời mở rộng khả năng hợp tác với một số nhà phát triển vaccine trên thế giới như Sinovac và AstraZeneca cũng như tham gia hợp tác đa phương thông qua sáng kiến COVAX của Liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) vào tháng 10-2020.
1,2 triệu liều vaccine của Sinovac (Trung Quốc) được chuyển tới sân bay ở Jakarta ngày 6-12-2020. Ảnh: AFP
Indonesia hiện còn một số việc cần làm cho đến cuối năm 2020, bao gồm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo tiếp nhận khoảng 15 triệu liều vaccine COVID-19 từ Sinovac, 1,8 triệu liều vaccine thành phẩm và 30 triệu liều vaccine nguyên liệu vào tháng 1-2021.
Australia dần trở lại bình thường
Tại châu Đại dương, bang Western Australia của Australia thông báo miễn quy định cách ly đối với du lịch đến bang này. Đây là lần đầu tiên trong vòng 8 tháng qua, bang Western Australia cho phép khách du lịch tới mà không phải cách ly, một dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này đang dần trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 7-12-2020, hành khách đầu tiên trên chuyến bay của hãng hàng không Qantas, từ Sydney đã đến Perth, thủ phủ của bang Western Australia. Trong số những hành khách này có nhiều người được gặp lại người thân sau nhiều tháng bị phong tỏa. Quyết định cho phép đi lại giữa các bang không cần cách ly được đưa ra trong bối cảnh hai bang đông nhất này của Australia dường như không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong những tuần gần đây. Điều này cho thấy các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chính quyền sở tại đã phát huy hiệu quả.
Người dân tập thể dục tại Sydney, Australia, ngày 2-11-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Số liệu thống kê mới nhất của chính phủ cho biết bang Victoria đã không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong hơn một tháng qua, trong khi bang New South Wales chỉ ghi nhận 1 ca lây trong cộng đồng trong 4 tuần qua.
TTXVN