Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc gặp năm 2021. Ảnh: AFP
Thay vì việc vạch ra một lộ trình rõ ràng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã kêu gọi các thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Dương (NATO) tập trung vào cung cấp viện trợ cho Kiev.
Ngày 5-4, Financial Times trích dẫn lời bốn quan chức giấu tên tham gia cuộc họp cho biết Mỹ đang đứng về phía Đức và Hungary trong việc đẩy lui nỗ lực của các nước gồm Ba Lan và một số quốc gia vùng Baltic nhằm cấp cho Ukraine một "lộ trình" tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 tới, nhằm giúp Kiev có mối quan hệ sâu sắc hơn với NATO, đồng thời củng cố khả năng nước này trở thành thành viên của khối quân sự này trong tương lai.
Vấn đề trên đã được tranh luận tại một cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Brussels, nơi các thành viên đang cố gắng đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối dự kiến diễn ra vào tháng 7 tại Vilnius, Litva. Tất cả 31 thành viên của liên minh đều đồng ý rằng không thể trao tư cách thành viên cho Ukraine trong thời gian ngắn, cũng như không thể thảo luận nghiêm túc về khả năng đó trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo rằng ông sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius trừ khi được đưa ra các bước đi chắc chắn cho mục tiêu gia nhập NATO, chẳng hạn như đảm bảo an ninh sau cuộc xung đột và hợp tác sâu rộng hơn với liên minh này.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao tham dự đàm phán trong tuần này đã tranh luận gay gắt về việc có thể cung cấp những bước đi mới nào cho Ukraine liên quan đến triển vọng gia nhập NATO của nước này. Finiancial Times lưu ý rằng các đồng minh đã thể hiện sự khác biệt thực sự trong yêu cầu của họ đối với tư cách của Ukraine thời hậu chiến, trái ngược với sự đoàn kết rộng rãi mà họ đạt được khi cùng lên tiếng phản đối chiến dịch của Nga hồi tháng 2 năm ngoái.
Một quan chức cho biết: “Chúng tôi còn vài tuần đàm phán khó khăn phía trước để thu hẹp những khoảng cách đó và tạo ra một kết quả chính trị”. Một quan chức khác lưu ý: “Con đường đến Vilnius đầy trắc trở”.
Washington lo ngại nếu mối quan hệ giữa NATO và Ukraine trở nên sâu sắc hơn tại thời điểm này sẽ dẫn đến việc Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng hiện tại là xung đột giữa Nga và NATO. Nó cũng có thể thúc đẩy Nga leo thang xung đột bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, tại trụ sở của NATO ngày 5-4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định với các phóng viên rằng liên minh này vẫn “để ngỏ cánh cửa” gia nhập cho Ukraine. Ông nói thêm rằng trọng tâm trước mắt nên là giúp Ukraine chuẩn bị phản công và giúp lực lượng nước này đạt tiêu chuẩn của NATO.
Năm 2008, các thành viên đã đồng ý rằng Ukraine sẽ được phép gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó. Khi đó, Mỹ đang thúc đẩy việc trao cho Kiev một thời gian biểu rõ ràng và một kế hoạch hành động để trở thành thành viên, nhưng Pháp và Đức phản đối vì lo ngại rằng bước đi như vậy sẽ khiêu khích Nga.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây. Phần Lan và Thụy Điển cũng vậy.
Tháng trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giới thiệu với các quốc gia thành viên một bản đề xuất các đề nghị “thực tiễn và chính trị” cho Kiev. Các quan chức cho biết bản đề xuất đã đề cập đến một tuyên bố mới về mối quan hệ của Ukraine với NATO, dựa trên tuyên bố năm 2008.
Về phần mình, giới chức Nga nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh NATO đã cam kết sẽ không mở rộng khối này sang Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, kể từ đó, NATO đã kết nạp thêm 15 thành viên mới, tất cả đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hoặc các quốc gia tham gia Hiệp ước Warsaw.
Nguồn: TTXVN