Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Frankfurt am Main, Đức, ngày 30-11-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 2-12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 263.689.837 ca, trong đó có 5.241.046 người tử vong.
Cuộc sống bình thường mới đang từng bước đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng hạ nhiệt. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 1-12 thông báo nước này ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở bang California. Sở Y tế công cộng San Francisco và California xác nhận một ca mắc COVID-19 gần đây ở bang California là do nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Thông báo cho biết người này từng đi du lịch ở Nam Phi và quay trở về Mỹ vào ngày 22-11-2021. Bệnh nhân này đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và chỉ có triệu chứng nhẹ. Tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân này đã được xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Hình ảnh minh họa biến thể Omicron (phải) và Delta (trái). Ảnh: Getty Images/TTXVN
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 100.000 ca), đồng thời cũng có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.300 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 237 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 20 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 1-12, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước. Tại cuộc họp báo ngày 1-12, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 27-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 1-12, tiếp tục có thêm nhiều nước ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron, như Hàn Quốc, Ireland, Na Uy, Đan Mạch, Saudi Arabia, Ghana, Nigeria. Diễn biến dịch đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại, theo đó người chưa hoàn thành tiêm vaccine và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng.
Khuyến cáo của WHO nêu rõ: "Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng".
Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại.
Hành khách tại sân bay quốc tế Toronto Pearson ở Ontario, Canada ngày 28-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron cũng khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định rằng đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) nên nghĩ đến việc bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Theo bà, đến nay 1-3 trong tổng số 450 triệu dân EU vẫn chưa được tiêm phòng và Liên minh chưa có cách tiếp cận chung về việc tiêm vaccine bắt buộc. Bà von der Leyen cũng cho rằng hằng ngày EU cần đánh giá lại các biện pháp hạn chế đi lại của mình và nhanh chóng triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm bảo vệ người dân khỏi biến thể Omicron.
Chung quan điểm với Chủ tịch EC, Thủ tướng tương lai của Đức Olaf Scholz tuyên bố nước này có thể áp đặt quy định bắt buộc tiêm vaccine và đề xuất có thể bắt đầu việc này từ tháng 2 hoặc tháng 3-2022. Ông Scholz cũng ủng hộ việc áp đặt quy tắc 2G đối với khách hàng tới các cửa hàng bán lẻ, nghĩa là chỉ những người đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 mới được phép đến mua hàng.
Tuy nhiên, quy định này sẽ không áp dụng đối với các hiệu thuốc. Theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch (RKI), số ca tử vong theo ngày tại Đức đã liên tục tăng trong một tuần qua, với 446 ca ghi nhận được trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ ngày 20-2-2021. Nhiều bệnh viện đang phải vật lộn với việc số ca nặng gia tăng nhanh.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Iran. Ảnh: IRNA/ TTXVN
Trong khi đó, Pháp đã quyết định kéo dài ít nhất đến ngày 4-12 lệnh tạm dừng các chuyến bay từ các nước miền Nam châu Phi, khu vực mà biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Bên cạnh đó, khách nhập cảnh Pháp từ các nước ngoài EU sẽ bắt buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm đủ vaccine hay chưa.
Cùng ngày, Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết sẽ không do dự siết chặt các biện pháp hạn chế trong dịp lễ Giáng Sinh nếu cần kiểm soát sự gia tăng số ca nhiễm gần đây.
Dù là một trong những nước có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến Chính phủ Bồ Đào Nha tái áp đặt một số biện pháp hạn chế từ ngày 1-12, như bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia sự kiện trong phòng kín, khuyến nghị làm việc từ xa khi có thể, và yêu cầu mọi hành khách đi đường hàng không phải có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh dù đã tiêm phòng đầy đủ. Chỉ có ngoại lệ duy nhất là người có chứng nhận đã bình phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và trẻ em dưới 12 tuổi.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó, Hàn Quốc xem xét áp dụng các biện pháp bổ sung để ngăn chặn biến thể Omicron, trong bối cảnh nước này ghi nhận 5.123 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó có 5.075 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 452.350 ca.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số bệnh nhân nặng cũng lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch là 723 người.
Đây cũng là lần đầu tiên số bệnh nhân nặng tại Hàn Quốc vượt mốc 700 ca. Nội các đã tiến hành họp, thảo luận biện pháp đối phó với diễn biến mới của dịch, cân nhắc áp dụng các biện pháp bổ sung sau khi chính phủ quyết định ngừng nới lỏng hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 29-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Ngày 1-12, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ đe dọa đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, OECD đã bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó.
Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. Theo OECD, ưu tiên chính sách hiện nay là phải đảm bảo vaccine được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không đảm bảo được chính sách này.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 28-9-2021. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong một diễn biến khác, các nước thành viên WHO đã nhất trí tiến hành đàm phán xây dựng một hiệp ước quốc tế nhằm ngăn chặn và ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Tại phiên họp đặc biệt kéo dài 3 ngày của Hội đồng Y tế thế giới ở Geneva (Thụy Sĩ), 194 nước thành viên của WHO đã thông qua nghị quyết thành lập một cơ quan đàm phán liên chính phủ nhằm thảo luận và phác thảo về một hiệp ước, thỏa thuận hoặc công cụ quốc tế khác nhằm ngăn ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.
Cuộc họp đầu tiên của cơ quan này sẽ diễn ra muộn nhất là vào ngày 1-3-2022 nhằm chọn ra 2 đồng chủ tịch và 4 vị phó chủ tịch. Báo cáo tiến độ sẽ được trình tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Y tế thế giới vào năm 2023 với kết quả cuối cùng sẽ được đưa ra xem xét tại phiên họp năm 2024.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 di chuyển trên cầu Brooklyn ở New York, Mỹ ngày 19-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1-12, Giám đốc Văn phòng khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tiến sĩ Ahmed Al-Mandhari cho biết 7 quốc gia trong khu vực này vẫn chưa đạt ngưỡng tỷ lệ bao phủ vaccine 10%.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo của Ai Cập, ông Al-Mandhari nói rằng các quốc gia nói trên có nguy cơ phải đối mặt với sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Theo ông Al-Mandhari, các nước thu nhập thấp, chủ yếu là ở châu Phi, chỉ nhận được 0,6% lượng vaccine của thế giới, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhận hơn 80%.
Giám đốc Bộ phận phòng chống nguy cơ lây nhiễm khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO - ông Abdinasir Abubakr cho hay đến nay, 24 quốc gia có thể đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron. Trong khi đó, ông Richard Brennen - Trưởng bộ phận khẩn cấp khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO - nói rằng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ban đầu có các triệu chứng nhẹ.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại Marikina, Philippines, ngày 29-11-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 1-12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 27.759 ca mắc COVID-19 và 491 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch hiện vượt 14.093.000 ca, trong đó trên 292.200 người tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines vẫn khá căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore và Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi, ngày 1-12, thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.
Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan ngày 2-11-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt.
Diễn biến dịch khá nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây, khi số ca tử vong vẫn cao. Ngày 1-12, Philippines ghi nhận số ca tử vong là 167 trường hợp, cao thứ hai khu vực sau Việt Nam.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19, song tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày qua có xu thế hạ nhiệt. Việt Nam ngày 1-12 dẫn đầu Đông Nam Á với trên 14.000 ca mắc mới và 196 ca tử vong.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Đông Java, Indonesia ngày 8-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 1-12 ghi nhận thêm trên 4.800 ca bệnh mới và 43 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 26 bệnh nhân mới và 4 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang tính nới lỏng giãn cách xã hội. Trong bối cảnh dịch giảm, nhà chức trách Campuchia đã mở cửa lại đất nước.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Nguồn: TTXVN