Mưu sinh bằng nghề bắt cá bống dừa

10/05/2010 - 08:27

Quê tôi ở xứ dừa Bến Tre. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã khắc sâu trong lòng câu ca dao: “Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ… bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu, kho tiêu kho ớt kho hành…”. Lớn lên, được thưởng thức hương vị của cá bống dừa kho tiêu hoặc nấu canh bù ngót, tôi càng thấm thía hơn những món ăn của quê nhà. Bạn bè tôi rất nhiều người đã “ghiền” các món ăn được chế biến từ con cá bống dừa: nấu canh bù ngót, kho tiêu, nướng, chiên dòn, chưng tương… 

Hơn 20 năm sống bằng nghề bắt cá bống dừa

Chúng tôi có mặt ở xã Phú An Hòa, huyện Châu Thành khi ông mặt trời vừa nhú lên. Theo hướng dẫn của anh Trần Minh Điền, cán bộ phụ trách kinh tế-kế hoạch xã, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Phước (50 tuổi, thường gọi là Hai Phước) là người có hơn 20 năm làm nghề đặt lọp bắt cá bống dừa. Chủ nhà đang chuẩn bị cho chuyến đi “săn” gồm chiếc xe đạp cà tàng, cái rọng (loại giỏ làm bằng tre để đựng cá), lọp và một khúc tre nhỏ dùng để quảy đồ nghề. Hai Phước thố lộ: “Mấy anh tới trễ chút là tôi đi rồi, đang vào con nước nên phải tranh thủ”. Hôm nay, Hai Phước mang theo 15 chiếc lọp đứng. Lọp là khối hình trụ được đan bằng tre vót mỏng, chiều dài khoảng năm tấc, đường kính khoảng 1,2 tấc, hai đầu được bịt bằng tre miếng ghép lại, một đầu có lỗ (gọi là hom) cho cá vào, miệng hom cách đáy lọp cỡ  năm, sáu phân. Mồi đặt cá bống dừa là con lư (còn gọi là bà chằn) hoặc trùn hổ được xỏ xâu bằng kẽm, để trong lọp, đặt lọp trong mương vườn dừa hoặc theo đường nước chảy của rạch (xẻo) lúc nước lớn, có cặm cây để giữ thăng bằng, miệng hom quay xuôi theo dòng nước. Theo dòng chảy, con cá ở dưới dòng nước đánh hơi mồi và sẽ chui vào lọp. Những ngày trúng vụ, Hai Phước thu hoạch được khoảng bảy, tám kg cá, thất lắm cũng được khoảng hai kg. Với nghề này, anh Phước đã nuôi cả nhà với năm miệng ăn hơn 20 năm qua, xây được nhà tường (cấp 4) và mua sắm đủ tiện nghi gia đình.

Anh Phước trên đường đi đặt lọp. Ảnh: Đ.C

Hiện ở xã Phú An Hòa có nhiều người chuyên sống bằng nghề bắt cá bống dừa như ông Hai Có, ông Chín Út, anh Thành, anh Nam, bà Năm Tánh… Anh Trần Minh Điền cho biết: Trước đây, tại xã có rất nhiều người sống bằng nghề bắt cá bống dừa, bình quân mỗi ngày được khoảng 150 kg. Đến nay, số người sống bằng nghề này không nhiều, mỗi ngày những người dân nơi đây bắt được khoảng năm, bảy chục kg cá.

Đi xuồng đặt cá bống dừa

Chèo xuồng men theo con rạch ấp Phước Hựu, xã Tam Phước, Châu Thành, anh Trần Văn Tiền (40 tuổi) đưa chúng tôi dọc theo sông Ba Lai. Đang lúc nước ròng, nắng phản chiếu xuống làm cho lớp phù sa ven bờ ánh lên màu vàng tuyệt đẹp. Anh Tiền thả từng chiếc lọp nằm xuống rồi cẩn thận cắm cây gài, anh giải thích: “Đặt lọp nằm lúc nước cạn, giở lên lúc nước lớn. Phải giữ cho lọp cân bằng để khi cá vào không bị sẩy ra và lọp bị trôi lúc nước lớn”. Trong khoảng thời gian ngắn, hơn 60 chiếc lọp nằm đã được anh đặt xong. Rít liên tục mấy hơi thuốc, anh Tiền bơi xuồng tới khúc sông có ngã ba dòng chảy, rẽ vào con lạch nhỏ để thả lọp đứng. Với 100 chiếc lọp các loại được anh thả mỗi ngày, dọc theo mé sông Ba Lai hoặc sông Tiền đã giúp anh kiếm được hơn 100 ngàn đồng lo cho gia đình. Tại nơi anh Tiền cư ngụ (xóm đình), có nhiều hộ dân sống bằng nghề bắt tôm cá trên sông. Anh Vũ, bạn cùng nghề với anh Tiền cho biết: “Đặt tôm tép thì có ăn hơn đặt cá bống nhưng không ổn định. Đặt cá bống dừa để thủ nồi cơm của gia đình, nhưng những lúc nước rong chúng tôi tạm nghỉ, vì nước quá đầy ítù có cá chui vào lọp”. Mồi để đặt cá bống dừa ven sông cũng là con lư (bà chằn), những tháng nắng, dân đặt lọp dùng mồi bà chằn, tháng mưa thì bắt trùn hổ để làm mồi. Ưu điểm của mồi trùn là rất nhạy cá và đặt lọp vào lúc nước ròng cũng được.

Tại ấp Phước Hựu còn có gia đình ông Bảy Bộng làm nghề đặt cá bống dừa lâu năm. Ông Bảy có năm người con theo cha đặt cá từ lúc mới 14, 15 tuổi, khi lớn lên những người này cũng nối nghiệp ông. Họ sống tiết kiệm theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”: đặt cá bống dừa bán để nuôi heo, bán heo thì mua vàng, mua đất...

Hiện những người làm nghề bắt cá bống dừa đều chung một nỗi lo là bị tư thương ép giá. Đa số những người làm nghề này đều cân cá, bán cho điểm thu mua của bà X., họ không hề biết được giá cả thị trường lên-xuống, để mặc cho người mua ấn định giá cả. 

HUỲNH ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN