Một ngăn của bể lắng - Cụm xử lý nước 15.000m3/ngày đêm - Nhà máy nước An Hiệp. Ảnh: CTV
* Phóng viên: Ông có thể cho biết công ty đã triển khai thực hiện những hạng mục công trình xây dựng nhằm cải thiện năng lực cấp nước, ứng phó với xâm nhập mặn?
- Ông Trần Hùng: Từ sau đợt xâm nhập mặn năm 2016 đến nay, công ty đã phân kỳ đầu tư các hạng mục công trình để nâng cao năng lực sản xuất nước, cung cấp nước và nhất là ứng phó sự tác động của xâm nhập mặn đến hoạt động của các nhà máy nước (NMN). Các hạng mục công trình chủ lực đã thực hiện như:
+ Đắp đập tạm trên kênh Thuộc Đạo, xã Quới Thành, huyện Châu Thành nhằm ngăn mặn tác động đến Trạm bơm nước thô Cái Cỏ.
+ Hoán chuyển 1 máy bơm nước thô tại Trạm bơm nước thô Cái Cỏ có công suất 250kW cho tổ máy bơm nước thô cấp về NMN An Hiệp, nhằm tăng cường bơm nước thô 18.000m3/ngày đêm về NMN An Hiệp để xử lý (tăng thêm 3.000m3/ngày đêm so với thiết kế ban đầu). Khi NMN Sơn Đông bị xâm nhập mặn thì NMN An Hiệp sẽ xử lý 18.000m3/ngày đêm để bổ sung nguồn nước ngọt cho mạng lưới cấp nước TP. Bến Tre.
+ Thay mới 5/6 máy bơm nước sạch tại NMN Sơn Đông, do các máy bơm cũ hoạt động trên 15 năm nên hiệu suất bơm đã giảm.
+ Lắp mới Trạm bơm nước thô Ba Lai để đảm bảo cấp đủ nước thô cho NMN Hữu Định.
+ Cải tạo, sửa chữa cụm phản ứng - lắng tại các NMN; lắp đặt bổ sung các van vặn, van xả trên hệ thống cấp nước; phát triển mạng lưới cấp nước trong vùng phục vụ…
+ Ngoài ra có 8/9 NMN, trạm bơm thuộc công ty được trang bị máy phát điện dự phòng.
Nước ngọt dành cho sản xuất, nhất là cấp cho khu công nghiệp (KCN) luôn được công ty quan tâm. NMN Hữu Định đã lắp bổ sung 1 máy bơm nước sạch để nâng cao khả năng cấp nước ra mạng lưới về KCN Giao Long. Vừa qua, công ty đã thực hiện giải pháp trữ nước thô vào hồ chứa nước rửa lọc tại NMN Hữu Định (500m3). Khi nước sông Ba Lai mới lớn sẽ có độ mặn thấp thì lấy nước từ sông Ba Lai để trữ trong hồ chứa tại NMN Hữu Định. Lúc đỉnh triều, nước sông Ba Lai có độ mặn cao, khi này NMN Hữu Định sẽ giảm lấy nước từ Ba Lai và sẽ lấy nước thô đã trữ trong hồ chứa để pha trộn nhằm giảm độ mặn nước xử lý.
* Còn đối với các giải pháp phi công trình, thưa ông?
- Đúc kết kinh nghiệm từ việc ứng phó xâm nhập mặn năm 2016, công ty tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, quy trình vận hành:
+ Đóng - mở cống hợp lý, lấy nước thô vào hồ chứa nước thô tại NMN Sơn Đông khi nước mới lớn, có độ mặn thấp.
+ Khi nguồn nước thô tại NMN Sơn Đông bị mặn, thì thực hiện bơm nước thô từ Trạm bơm nước thô Cái Cỏ về NMN Sơn Đông để pha trộn với nguồn nước tại chỗ để xử lý. Ngoài ra, NMN An Hiệp sẽ vận hành xử lý nước với chế độ làm việc tăng cường đạt 18.000m3/ngày đêm (tăng 3.000m3/ngày đêm so với thiết kế; hoặc tăng 6.000m3/ngày đêm so với công suất đang vận hành khai thác).
+ Điều chỉnh, hợp lý hóa chế độ vận hành Trạm bơm nước thô Cái Cỏ để đảm bảo cấp nước ngọt thô về NMN Sơn Đông.
+ Theo dõi sát diễn biến mặn để đóng, mở nắp cống kênh Thuộc Đạo và cửa phay của đập tạm Cái Cỏ.
+ Các NMN thường xuyên theo dõi độ mặn nước nguồn (sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Bến Tre) và thông tin với nhau để phối hợp vận hành, điều tiết trên hệ thống cấp nước.
+ Thường xuyên thông tin diễn biến độ mặn của nước đã xử lý và cấp ra mạng lưới đến các nhà máy, xí nghiệp tại KCN Giao Long. Ưu tiên chở nước ngọt phục vụ cho cơ quan, đơn vị như bệnh viện, trường học...
Phối hợp giải pháp phi công trình nêu trên với các công trình hiện có trong hệ thống cấp nước đang quản lý, bằng các phương án công ty cố gắng ứng phó tốt nhất trong mùa hạn mặn năm nay.
* Ông có lưu ý gì đối với khách hàng trong việc sử dụng nước ngọt khi đợt hạn mặn vào cao điểm?
- Từ ngày 4-1-2019, diễn biến mặn đã ảnh hưởng đến NMN Sơn Đông, phía công ty đã vận hành Trạm bơm nước thô Cái Cỏ cấp nước thô về NMN Sơn Đông để pha trộn, xử lý đảm bảo nước cấp ra mạng lưới có độ mặn thấp nhất. Đến thời điểm hiện tại, công ty đang duy trì nước cấp ra mạng lưới có độ mặn 0,18o/oo, so với tiêu chuẩn quy định ≤ 0,45o/oo.
Chăm sóc cây trồng. Ảnh: Khải Minh
Trong thời gian các sông bị xâm nhập mặn, thì độ mặn diễn biến tăng vào trước và sau ngày 15 âm lịch, ngày 30 âm lịch hàng tháng. Vì vậy, khi bà con lấy nước để dự trữ vào lu, thùng thì tránh lấy nước vào những ngày vừa nêu.
Một số hộ dân ven TP. Bến Tre có trồng cây ăn trái (bưởi, cam...), do nước tưới bị xâm nhập mặn nên đã sử dụng nguồn nước máy để pha trộn với nước ở mương vườn để tưới cây trồng. Khuyến cáo bà con, nếu có lấy thì nên lấy vào ban đêm, tránh lấy nước vào ban ngày, vào giờ cao điểm sử dụng nước (từ 6 - 8 giờ và từ 17 - 19 giờ) sẽ làm ảnh hưởng đến áp lực nước khu vực cuối mạng lưới cấp nước.
Khách hàng có nhu cầu chở nước ngọt xin vui lòng liên hệ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc công ty để được hướng dẫn thực hiện (số điện thoại liên hệ trong giờ hành chính: 0275.3811.534).
* Riêng đối với việc cấp nước phục vụ sự nghiệp phát triển nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới, ông có thể chia sẻ thông tin liên quan?
- Công ty tiếp tục thực hiện theo kế hoạch cấp nước an toàn, đề án xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020, Đề án quy hoạch cấp nước vùng tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm cung cấp đủ nước trong vùng phục vụ của công ty.
Ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước ra các xã ven TP. Bến Tre, nhất là các xã xây dựng nông thôn mới (Phú Hưng, Sơn Đông…), các xã thuộc huyện Mỏ Cày Bắc (Thành An, Thanh Tân…). Triển khai cấp nước đến các xã thuộc huyện đã thỏa thuận vùng phục vụ nhằm góp phần cùng các xã này cung cấp nước sạch và đạt tiêu chí về tỷ lệ cấp nước sạch khi phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Phối hợp với các địa phương có phương án di dời ống cấp nước kịp thời để đảm bảo tiến độ mở rộng lộ, hẻm theo kế hoạch, đề án xây dựng giao thông nông thôn của từng địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
Khải Minh (thực hiện)