Một số vấn đề lưu ý khi sử dụng nước giếng khoan tưới cây

20/04/2020 - 07:10

BDK - Năm 2019-2020, hạn mặn diễn ra khốc liệt trên địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Trong đó, Bến Tre là một trong 5 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp xâm nhập mặn. Để ứng phó hạn mặn, nhiều người dân đã sử dụng nước giếng đào, giếng khoan để tưới cho cây trồng. Vấn đề đặt ra là việc sử dụng loại nước này có phù hợp cho cây trồng.

Thử nghiệm nước tại Trung tâm khoa học và công nghệ Bến Tre. Ảnh: Kim Tuyền

Chất lượng nước giếng không ổn định

Mặc dù có sự chủ động trong phòng chống, ứng phó hạn mặn, nhưng tình hình xâm nhập mặn năm nay diễn ra gay gắt, khốc liệt và vượt mốc đợt hạn mặn mùa khô năm 2015-2016, nên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có gần 5.300ha lúa vụ 3 bị thiệt hại hoàn toàn; khoảng 20.000ha vườn cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, măng cụt), 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng bị ảnh hưởng...

Trong bối cảnh thiếu nước ngọt nghiêm trọng để sản xuất, nhiều người dân ở tỉnh đã sử dụng nước giếng đào, giếng khoan để tưới cho cây trồng. Vấn đề đặt ra là việc sử dụng loại nước này có phù hợp cho cây trồng hay không và những yếu tố nào cần quan tâm khi buộc phải sử dụng?

Khi sử dụng nước giếng khoan tầng nông tưới cây phải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu, giá trị giới hạn của các thông số chất lượng nước dùng cho tưới tiêu như thế nào... Ngoài ra, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, giá trị giới hạn của hàm lượng chất sắt trong nước dùng cho tưới tiêu là 1,5mg/l. Vì vậy, việc sử dụng nước giếng đào, giếng khoan tưới cho cây trồng cần hết sức cân nhắc.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, nước giếng khoan là nguồn nước ngầm mạch nông ở độ sâu từ 3 - 10m, loại này thường bị nhiễm bẩn nhiều từ tầng mặt, trữ lượng ít và chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Chất lượng và trữ lượng đều thiếu ổn định, rất khó đánh giá và kiểm soát một cách căn cơ. Vì vậy, khi sử dụng tưới cho cây trồng cần hạn chế tối đa việc sử dụng cho các loại cây trồng cần đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao như rau ăn lá các loại...

Phân tích mẫu nước trước khi tưới

Nhận thức được tầm quan trọng của nước tưới đối với cây trồng, nhất là nước giếng khoan, nhiều nông dân sau khi khoan giếng đã lấy mẫu nước đến Trung tâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bến Tre, thuộc Sở KH&CN để kiểm định chất lượng.

Trong mùa hạn mặn năm 2015-2016, Sở KH&CN đã tiến hành phân tích mẫu nước giếng đào tại các huyện trong tỉnh, với trên 250 mẫu đại diện; riêng trên lĩnh vực tưới tiêu cho cây trồng khá nhiều điều cần quan tâm như: tỷ lệ mẫu nước giếng có hàm lượng sắt tổng (độ nhiễm phèn) vượt ngưỡng cho phép trên 50% và có hàm lượng Clorua (độ nhiễm mặn) vượt ngưỡng cho phép rất cao, trên 80%. Trong đó, nhiều mẫu có hàm lượng sắt tổng và hàm lượng Clorua cao gấp hơn 3 lần ngưỡng cho phép. Nếu tính chung cả hai chỉ tiêu hàm lượng sắt tổng và hàm lượng Clorua trong cùng một mẫu nước thì số giếng đào đạt tiêu chuẩn tưới trên tổng số mẫu là khoảng 8%, một tỷ lệ rất thấp.

Năm nay, Trung tâm KH&CN Bến Tre đã tiếp nhận trên 200 mẫu thử, đa số là nước giếng khoan. Sau khi phân tích, có kết quả các mẫu thử, cán bộ kỹ thuật của trung tâm đã phân tích, hướng dẫn bà con về các chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu mặn, phèn để bà con nắm rõ. Chị Huỳnh Thị Mỹ, ở Ấp 4, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc khoan giếng và đem mẫu đi thử. Kết quả, nước có độ mặn 1,77%o và phèn cao gấp 20 lần theo tiêu chuẩn, chị Mỹ không dám tưới cho cây trồng.

Theo kỹ sư Nguyễn Cao Thành, cán bộ quản lý chất lượng thử nghiệm - Phòng Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Trung tâm KH&CN Bến Tre, đa số các mẫu nước giếng khoan đều nhiễm sắt và Clorua. Hai chất có khả năng gây ngộ độc trực tiếp cho cây trồng khi có hàm lượng cao trong số trên 200 mẫu nước kiểm định, có đến 60% mẫu bị nhiễm mặn và khoảng 40% nhiễm phèn.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức, một số cây trồng khi dùng nước giếng tưới thời gian dài có biểu hiện bị ảnh hưởng xấu về mặt sinh trưởng, phát triển, thậm chí suy yếu, đặc biệt, những cây có sức đề kháng kém như kiểng cổ, cây ăn trái đang thời kỳ mang hoa, trái… Ngay cả khi có mưa, cây phục hồi chậm và có hiện tượng chết dần.  Vì thế, việc sử dụng nước giếng khoan để tưới cho cây trồng là không đảm bảo về mặt kỹ thuật, không an toàn, chứa đựng nhiều rủi ro.

Cao Đẳng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN