Theo Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, thời gian qua, một số nhà vườn còn chủ quan trong việc theo dõi diễn biến của hạn mặn, chưa kịp trữ ngọt trong hệ thống mương chứa. Nông dân tưới nước nhiễm mặn liên tục cho vườn, làm tích lũy muối trong đất gây hại rễ kéo dài cho cây trồng. Đối với vùng trồng chôm chôm, sầu riêng, nhiều vườn còn để mương quá cạn, bờ liếp thấp, làm giảm chiều sâu tầng canh tác, giảm khả năng rửa mặn, phèn. Nhiều vườn chưa chú trọng trong phủ liếp giữ ẩm; bón phân hóa học sớm khi chưa rửa phèn mặn ra khỏi liếp vườn; xử lý ra hoa sớm khi chưa rửa hết phèn mặn tồn đọng trong vườn.
Sau đây là một số giải pháp ứng phó cho nhóm cây ăn trái có khả năng chống chịu nước lợ mức độ dưới 4‰ trong thời gian khoảng 2 - 3 tháng (cây có múi, xoài, chuối, nhãn...):
Trước khi mặn xâm nhập, cần bón phân lân để bổ sung các chất lân, canxi, magiê, silic cho cây vừa có tác dụng tăng tính chống chịu của cây, vừa khử bớt phèn mặn nếu có xảy ra. Lượng bón 500 - 800kg/ha, bón đều trên mặt liếp. Bón phân NPK nên kết hợp với các loại phân giàu hữu cơ (có thể sử dụng 3 - 5kg acid humic phù hợp với giai đoạn sinh trưởng, phát triển của vườn cây; kết hợp với 1 - 2 tấn phân hữu cơ/ha để cây có đủ dưỡng chất và tăng tính đệm của đất khi bước vào giai đoạn hạn mặn). Tích cực phủ liếp bằng vật liệu phù hợp để hạn chế thoát hơi nước. Củng cố cây che bóng khoảng 30% (cho bưởi); 40% (cam, quýt, chanh). Không nên tỉa cành tạo tán ngay trước thời điểm hạn mặn. Nạo vét hệ thống mương vườn, củng cố hệ thống đê bao để chủ động ngăn mặn, trữ ngọt trước khi nước lợ xâm nhập vùng trồng nhất là trước mỗi kỳ triều cường.
Trong thời kỳ hạn mặn, nên kiểm tra hệ thống đê bao ngăn mặn, chống rò rỉ nước lợ vào vườn. Thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn, khi có nước ngọt (độ mặn dưới 2‰) thì tranh thủ đưa nước vào tưới vườn và bổ sung nước dự trữ. Nếu cây đang mang trái, cần cân nhắc điều chỉnh sức nuôi cân đối với lượng nước dự trữ. Cần thiết thì hủy một phần hay toàn bộ trái để vườn cây không bị chết kiệt do thiếu nước. Nếu vườn cây bị xâm nhập mặn, cần nhanh chóng rút nước mặn ra khỏi vườn. Tìm nguồn nước ngọt khi có thể để tưới rửa mặn trong thời gian sớm nhất. Chú ý hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ tăng thêm hiệu quả sử dụng nước. Không bón NPK trong thời kỳ không có nước ngọt để tưới. Có thể phun phân bón lá Hydrophos-Zn, Casi, các hoạt chất hỗ trợ khác để tăng tính chịu hạn, giảm tác hại của mặn đối với cây. Củng cố vật liệu phủ liếp, trong đó có loại lưới lan chắn sáng 80% cũng giúp hạn chế bốc thoát hơi nước, giữ ẩm cho vườn tốt và thuận tiện.
Sau thời kỳ hạn mặn, sau khi có mưa hoặc nước ngọt trở lại thì tiến hành tưới đẫm rửa phèn mặn nhiều lần để giảm độc chất trong đất. Sau khi tưới rửa được 3 - 5 ngày, thì tiến hành bón vôi dolomite khoảng 500 - 800 kg/ha. Sau đó, tưới rửa tiếp thêm 3 - 4 ngày thì bón phân chứa nhiều lân như DAP liều lượng khoảng 100 - 150kg + 5kg super humic cho mỗi héc-ta, tiếp tục tưới thêm vài ngày cho phân tan thấm đều vào đất nhằm giúp cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng. Sau khi cây ra tược chớm già thì tiến hành bón phân hữu cơ và NPK theo nhu cầu của cây với lượng vừa phải. Loại bỏ bớt hoa, trái trên vườn cây bị ảnh hưởng mặn.
Thu Huyền (tổng hợp)