Một buổi sáng thứ sáu đẹp trời, tôi tham dự phiên tòa xử vụ ly hôn của đôi vợ chồng Việt Nam - Singapore. Tại phiên toà chỉ có mặt bên nguyên đơn - chị Trần Thị A, còn bên bị đơn - người chồng, có giấy gửi đến tòa xin vắng mặt. Phiên tòa diễn ra trong không khí vắng lặng. Ngoài Hội đồng xét xử, thư ký, người vợ và người viết bài thì không còn ai.
Chị A trông thật xinh đẹp, với đôi mắt buồn. Chị nói rằng hai bên quen biết nhau trong thời gian chị đi du lịch tại Singapore. Sau vài tháng tìm hiểu nhau, chủ yếu qua điện thoại, thư điện tử, anh chị tiến tới hôn nhân, đã đăng ký kết hôn vào năm 2008, tại Việt Nam. Chị vẫn ở Việt Nam, anh thì ở Singapore. Anh không biết nói tiếng Việt, còn chị chỉ biết một chút tiếng Sing thông dụng. Lâu lâu, anh có cho tiền để chị qua thăm anh, gia đình chồng cũng đối xử rất tốt với chị. Những tưởng cuộc đời chị như vậy là ổn định. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, gia đình anh yêu cầu chị qua Singapore sống cùng. Đến đây, phát sinh mâu thuẫn, chị cảm thấy không thể bỏ gia đình, xa quê hương, đến sống ở một đất nước xa lạ. Đó là lý do chị gửi đơn đến tòa xin ly hôn. Tại phiên tòa, chị trình bày trong nước mắt và nghẹn ngào, hai bên không có con chung, không có tài sản chung. Sau khi xem xét, hòa giải không thành, Tòa quyết định chấp thuận cho vợ chồng chị được ly hôn.
Cuộc hôn nhân đã chấm dứt một cách dễ dàng, nhanh chóng cũng như lúc nó bắt đầu, nhưng hậu quả để lại không nhỏ. Người vợ trẻ sẽ đối mặt ra sao với gia đình, bạn bè, hàng xóm. Người chứng kiến thiết nghĩ, khi hai bên nam nữ gặp gỡ tìm hiểu nhau phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng mới quyết định tiến tới hôn nhân. Đặc biệt, nếu có một trong hai bên là người nước ngoài thì càng phải thận trọng hơn. Bởi sự khác nhau về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, xa cách về địa lý… sẽ dẫn đến nhiều vấn đề rất phức tạp.