Một ấp điểm “Dân vận khéo” giảm nghèo

10/10/2011 - 06:31

Vào cuối năm 2009, ấp 4 xã Bình Hòa đã vươn lên mạnh mẽ trong thực hiện công tác giảm nghèo với 27/63 hộ đã thoát nghèo. Năm 2010, ấp được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giảm nghèo.

Ấp 4 có 512 hộ, với 2.933 nhân khẩu; diện tích tự nhiên 217ha, diện tích đất canh tác 177ha. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt các loại cây ăn trái (chiếm trên 80%). Đây là ấp có số hộ nghèo cao nhất so với các ấp trong xã.

Trước thực trạng trên, để thực hiện ấp điểm “dân vận khéo”, công việc đầu tiên cần triển khai là phân công từng thành viên trong Ban vận động, tiến hành khảo sát toàn bộ 36 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn. Qua đó, đã nắm được đời sống của từng hộ, nguyên nhân nghèo… Ban vận động chia 36 hộ nghèo thành các nhóm: nhóm có điều kiện thoát nghèo trong năm 2010; nhóm có khả năng thoát nghèo sau năm 2010 và nhóm chưa có điều kiện thoát nghèo (chưa thể tính theo năm). Các thành viên trong Ban tiếp xúc, giúp từng đối tượng định hướng công việc làm ăn cho phù hợp. “Chúng tôi thống nhất chia hộ nghèo thành 2 nhóm để vận động là nhóm có điều kiện và nhóm có khả năng. Tập trung vận động nhóm có điều kiện thay đổi nhận thức, chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo; đồng thời hỗ trợ vốn từ các nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn hỗ trợ của các đoàn thể, vận động xây dựng nhà tình thương, tư vấn việc làm trong và ngoài tỉnh. Đối với nhóm có khả năng, quan tâm giải quyết đúng, kịp thời các chính sách xã hội mà người nghèo được hưởng. Tùy theo hoàn cảnh của từng hộ mà xem xét vận động hỗ trợ về vật chất và tinh thần” - đồng chí Châu Văn Thiết - Bí thư chi bộ, Trưởng Ban vận động cho biết.

Trong xây dựng mô hình “Dân vận khéo” giảm nghèo, Ban công tác Mặt trận và từng đoàn thể đã gắn kết với Ban vận động trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo, thu hút hội viên, đoàn viên tham gia hỗ trợ thực hiện mô hình. Cụ thể, Chi đoàn đã tổ chức hai cuộc tư vấn việc làm cho hộ nghèo, thu hút 49 hội viên, đoàn viên tham dự. Kết quả, có 10 đoàn viên, thanh niên đi lao động ngoài tỉnh. Vận động sửa 4 căn nhà của hộ nghèo. Chi hội Nông dân tư vấn cho 9 hội viên đi lao động ngoài huyện; vận động 6 triệu đồng hỗ trợ cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho 33 hộ nông dân nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền hơn 584 triệu đồng; mở lớp khuyến nông. Chi hội Phụ nữ với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; 10 hộ nghèo cho phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (120 triệu đồng). Chi hội còn vận động 82 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có 32 hộ nghèo, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để có điều kiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan và có thời gian lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chi hội Cựu chiến binh vận động cất 1 nhà tình thương cho hội viên; cùng Chi đoàn giáo dục, Chi hội Nông dân vận động 2 hộ nghèo có thanh niên bê tha rượu chè, lười lao động, một số hộ nghèo có tư tưởng an phận vươn lên thoát nghèo. Đến đầu năm 2011, ấp đã có 15 hộ đã thoát nghèo.

Cùng với đồng chí Lê Văn Bảo - Trưởng ấp 4, chúng tôi đến thăm một số hộ đã thoát nghèo, như: hộ anh Nguyễn Văn Nhân (ở tổ nhân dân tự quản số 6A), anh Phan Văn Bờ (ở tổ nhân dân tự quản số 15)… Chi hội Nông dân đã tạo điều kiện cho hai anh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, hỗ trợ đầu tư cây, con giống, từ đó, kinh tế của gia đình của hai anh khá lên và ổn định hơn. Được biết, năm 2011, ấp phấn đấu nâng số hộ thoát nghèo thêm 9 hộ, còn lại 12 hộ nghèo chưa thể tính được thời gian thoát nghèo (đây là những hộ già cô đơn, bệnh tật, không có đất sản xuất) rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

Về những định hướng cho mô hình “Dân vận khéo” giảm nghèo, đồng chí Châu Văn Thiết cho biết, Chi ủy Chi bộ ấp 4 xem công tác giảm nghèo đi đến thoát nghèo là nhiệm vụ trọng tâm. Chi ủy đưa công tác giảm nghèo vào kế hoạch thực hiện hàng tháng của chi bộ, thường xuyên tổ chức các cuộc họp mở rộng, triển khai nhiệm vụ cho từng cá nhân nhằm thực hiện tốt chương trình liên tịch từ ấp đến xã để tạo sức mạnh tổng hợp duy trì chất lượng hoạt động. Ngoài đẩy mạnh phong trào những hộ khá giúp đỡ vốn, cây, con giống cho các hộ còn khó khăn, đoàn thể ấp cần đến sự hỗ trợ của xã trong việc tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, dạy nghề… để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất và khá lên.

Nguyễn Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN