Sơ chế dừa tại xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: CTV
Tiềm năng ngành chế biến dừa
Toàn tỉnh hiện có khoảng 180 doanh nghiệp (DN) và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa: Các sản phẩm từ vỏ dừa như chỉ xơ dừa, mụn dừa, các sản phẩm sau chỉ; nhóm sản phẩm từ gáo dừa: than hoạt tính, than thiêu kết, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; nhóm sản phẩm từ cơm dừa: cơm dừa sơ chế, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, bột sữa dừa, kẹo dừa, các loại mỹ phẩm từ dừa. Nhóm sản phẩm từ nước dừa: thạch dừa, nước dừa đóng hộp. Mỗi năm, các DN tỉnh sản xuất gần 45 ngàn tấn cơm dừa nạo sấy; 85 triệu lít nước cốt dừa; 44 triệu lít nước dừa đóng lon; 39 ngàn tấn chỉ xơ dừa; 12,7 ngàn tấn than hoạt tính... Hiện có hơn 90 DN tham gia xuất khẩu.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở tỉnh tuy mới hình thành không lâu, nhưng đã có sự phát triển nhanh, khá chắc chắn và phong phú về mặt hàng. Công nghiệp chế biến dừa đã tiêu thụ khoảng 85% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh và chiếm tỷ trọng khá lớn so với ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Một số DN lớn đã có các chứng nhận như ISO 22000: 2005, HACCP, HALAL, KOSSHER, sản phẩm hữu cơ, chính vì vậy, sản phẩm dừa của tỉnh có khả năng tham gia các thị trường lớn, khó tính như các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Sản phẩm dừa của tỉnh đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc.
Với diện tích và sản lượng dừa hiện có, cùng với ngành chế biến dừa ngày càng phát triển, tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dừa và các sản phẩm từ dừa. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất, chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 23,6%/năm và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài chế biến xuất khẩu, tỉnh còn có lượng dừa uống nước khá lớn với nhiều loại dừa xiêm xanh, xiêm đỏ, dừa xiêm lục, dừa dâu, dừa dứa... Từ trái dừa nguyên vỏ, đã được chế biến thành nhiều loại đa dạng như dừa nguyên vỏ, dừa gọt kim cương, dừa gọt trọc, dừa đóng lon...được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, dừa uống nước xiêm xanh Bến Tre đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trái dừa uống nước của tỉnh đã được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore...
Định hướng, giải pháp thời gian tới
Xác định dừa là cây chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế nên trong mục tiêu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh rất quan tâm đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến dừa, coi ngành dừa là một trong những ngành công nghiệp chủ lực chi phối đến sự phát triển của địa phương.
Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga cho biết: Để mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm từ dừa, ngành thường xuyên cập nhật tình hình, dự báo thị trường, thông tin hàng hóa, cơ hội kinh doanh thông qua website Sở Công Thương, hệ thống Internet, nhóm hỗ trợ DN. Tăng cường cập nhật, trao đổi thông tin, khảo sát thực tế tại cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để trao đổi, cung cấp và nắm bắt thông tin, nhu cầu của các cơ sở để lựa chọn, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khuyến công, xúc tiến thương mại phù hợp đối tượng thụ hưởng.
Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ DN các hoạt động xúc tiến thương mại để củng cố thị trường trong nước, đồng thời luôn chú trọng hỗ trợ cho các DN tổ chức giao thương kết hợp với tổ chức hội nghị giao thương, tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài, nhất là các nước trong Hiệp định Thương mại tự do. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Tiếp tục tập trung hỗ trợ các DN, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại trên môi trường số, thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, DN, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; hỗ trợ các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt sao lên sàn thương mại điện tử.
Hoàng Phương