Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở huyện Bình Đại

12/06/2023 - 06:30

BDK - Huyện Bình Đại là một trong 3 huyện biển, có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển ngành thủy sản đa dạng, nhất là nuôi tôm nước lợ. Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh được nông dân ứng dụng công nghệ cao (CNC) đã mang lại hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, mô hình nuôi tôm biển ứng dụng CNC có thể ngăn được mầm bệnh từ trong đất, làm giảm dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi tôm, năng suất cao hơn từ 4 - 5 lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh theo phương pháp truyền thống.

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Ảnh: CTV

Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Quân cho biết: Hiện nay, diện tích nuôi tôm ứng dụng CNC của huyện đã được mở rộng lên hơn 1.447ha. Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh, năng suất bình quân đạt hơn 15 tấn/ha. Một năm nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 50 tấn/ha/năm, cao hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây. Lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/ha/vụ nuôi. Ưu điểm của loại hình này là nuôi khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi và nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm CNC vẫn còn một số khó khăn nhất định. Chi phí đầu tư ban đầu rất cao, mỗi khu nuôi cần có diện tích rộng, nuôi ở vùng có độ mặn cao và ổn định, thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, nắng gắt, nhiệt độ khá cao. Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp; chất lượng con giống đôi lúc chưa đảm bảo, vật tư đầu vào khó kiểm soát triệt để. Kết cấu hạ tầng nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện; nguồn vốn để đầu tư trong dân còn hạn chế. Hiện nay, nghề nuôi tôm ứng dụng CNC phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của huyện. Tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ. Việc triển khai thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất chưa được sự quan tâm đúng mức từ các đơn vị liên quan và người dân, đặc biệt là chưa có nhà máy chế biến con tôm trên địa bàn huyện.

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Quân, hiện nay, trong điều kiện tôm nuôi đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ thì việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm sẽ thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất và tạo ra các sản phẩm an toàn. Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, huyện sẽ tập trung tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; hình thành và duy trì chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong quá trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hệ thống sản xuất và phân phối giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ nghề nuôi và quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi.

Vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tôm giống, vật tư nông nghiệp, chế biến tham gia xây dựng các mô hình liên kết, đảm bảo hỗ trợ về giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp. Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở địa phương, kịp thời thông tin tới doanh nghiệp, người nuôi tôm biết diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới. Tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên để thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, hệ thống thủy lợi phục vụ nghề nuôi.

Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN