Mô hình lúa - tôm ở An Nhơn.
Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã An Nhơn Tô Văn Bạch cho biết, Tổ hợp tác (THT) được thành lập từ tháng 4-2014 với sự tham gia của 17 hộ, tổng diện tích 15ha. Đến tháng 3-2017, THT được phát triển thành Hợp tác xã (HTX) lúa - tôm Thạnh Phú và được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu. Sản phẩm nhanh chóng được người dân tin dùng, có mặt khắp các siêu thị, cửa hàng trong, ngoài tỉnh và được xuất khẩu sang các nước…
An Nhơn là một xã thuộc tiểu vùng III của huyện, với diện tích tự nhiên hơn 2.500ha, có 3 ấp, hơn 1.400 hộ và gần 6.500 nhân khẩu. Một xã thuần nông, đời sống của bà con nông dân nơi đây là nuôi thủy sản, làm lúa và chăn nuôi. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng xã nông thôn mới, trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị địa phương, nhất là vai trò của HND xã trong việc tập hợp, phát triển hội viên, duy trì khá đều đặn sinh hoạt và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội, tổ hội ở cơ sở (xã có 3 chi hội và 20 tổ hội với 575 hội viên). Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình và nhân rộng ra cho bà con đã được HND xã chú trọng. “Hiệu quả nhất là mô hình lúa - tôm. Năm 2014, chỉ là một THT sản xuất nhỏ đã nhanh chóng phát triển lên thành HTX lúa - tôm Thạnh Phú với sự tham gia của 85 hộ, diện tích 105ha. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu, sản phẩm đã có mặt khắp các siêu thị, cửa hàng và xuất khẩu sang các nước Châu Âu. Ngoài mô hình này, địa phương còn xây dựng được mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ, cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân xã nhà. Hàng năm, HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường gần 450 tấn lúa sạch (giá lúa sạch bình quân 7.000 đồng/kg, lúa hữu cơ 8.500 đồng/kg)” - Chủ tịch HND xã Tô Văn Bạch phấn khởi cho biết.
Ông Bạch cho rằng, tuy lợi nhuận từ mô hình so với việc nuôi tôm công nghiệp và hiện nay là kỹ thuật nuôi tôm mới - hai giai đoạn không cao hơn, nhưng mô hình này phù hợp với đồng vốn đầu tư của bà con; đồng thời có tính bền vững, ổn định và nhất là không tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Bên cạnh thu nhập từ cây lúa, con tôm, bà con còn tận dụng đất ven bờ để trồng cỏ nuôi bò nhằm tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất. Đầu ra của sản phẩm rất ổn định, bình quân 1ha đất sản xuất lúa - tôm, bà con thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ, như vậy là khá cao và bền vững hơn so với việc thả nuôi tôm công nghiệp còn nhiều rủi ro.
Chủ tịch HND xã Tô Văn Bạch cho rằng, kết quả này là có sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Vai trò tham mưu của HND và sự nhiệt tình, cộng đồng trách nhiệm của từng đồng chí trong Ban Thường vụ Hội dám nghĩ, dám làm. Ngay từ khi thành lập THT, chúng tôi luôn đồng hành, sát cánh cùng với bà con nông dân trên đồng ruộng với quyết tâm rất cao để sớm xây dựng mô hình thành công. Ngoài ra, HND xã còn tham mưu giúp cho Đảng ủy, chính quyền xây dựng nhiều mô hình, THT trong chăn nuôi như: 10 THT chăn nuôi bò - dê sinh sản, có 176 thành viên tham gia. Hiện nay, các THT này làm ăn rất hiệu quả và mang lại thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân xã nhà. Từ đây góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tiến nhanh về đích xã nông thôn mới, nhất là việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ và kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 3,16% vào năm 2017.
Bài, ảnh: Thành Lập