Người dân Tổ nhân dân tự quản số 11, Khu phố 2, Phường 5, TP. Bến Tre hình thành thói quen phân loại rác tại hộ gia đình.
Hình thành thói quen tốt
Thực hiện mô hình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5 biên soạn nhiều tài liệu về các nội dung liên quan đến tác hại của rác thải nhựa, rác thải độc hại, từ đó tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Tháng 5-2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5 chọn Tổ nhân dân tự quản (NDTQ) số 11, Khu phố 2 làm điểm. Triển khai mô hình, Mặt trận phường phân công thành viên đến từng hộ để thăm dò, lấy ý kiến trong việc thực hiện mô hình, qua đó đề ra giải pháp, cách làm sao cho phù hợp nhất trên địa bàn dân cư.
Nhận thấy ý thức của người dân đối với vấn đề hạn chế sử dụng rác thải nhựa và công tác phân loại rác tại hộ gia đình chưa được quan tâm đúng mức, cán bộ Mặt trận phường, khu phố trực tiếp tuyên truyền. Đặc biệt nêu rõ tác hại của rác thải, những tác động đến sức khỏe người dân, những hạn chế trong việc xử lý rác thải hiện nay. Đồng thời định hướng các giải pháp để hộ dân hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường bằng cách hạn chế rác thải nhựa sử dụng một lần. Song song đó, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn để giảm quá tải tại các bãi rác.
Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 2 Lương Thị Hồng Thu cho biết: “Thông qua sinh hoạt tổ NDTQ, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền, vận động hộ gia đình sử dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường, chung tay bảo vệ môi trường sống. Sau đó, tiếp tục truyền thông nhóm Zalo, qua tổ chức đoàn thể. Từng cán bộ chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên trong khu phố cùng thực hiện mô hình và làm gương tại gia đình. Bằng những việc làm nhỏ nhất, cụ thể nhất như: phân loại rác, không sử dụng túi nylon hay sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Ngày qua ngày đã dần hình thành thói quen trong mỗi cá nhân, trong từng hộ gia đình”.
Với phương châm “mưa dầm thấm sâu”, bằng nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp, kết hợp gửi tài liệu, nhắc nhở cách phân loại rác trên nhóm Zalo tại Tổ NDTQ số 11 đã góp phần hình thành thói quen tốt trong cụm dân cư. Thực hiện mô hình, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - người dân Tổ NDTQ số 11, Khu phố 2 phân loại rác thải nhựa, túi nylon để riêng bán phế liệu ve chai, rác sinh hoạt hàng ngày để riêng mang ra điểm tập trung của tổ cho xe rác thu gom. Tiền bán ve chai góp quỹ cho tổ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: “Nhận thức được ô nhiễm môi trường tác động rất lớn đến đời sống của người dân, thực hiện lời kêu gọi của Ban công tác Mặt trận Khu phố 2 trong việc triển khai mô hình “Khu dân cư đồng thuận hạn chế rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn”, tôi tích cực hưởng ứng thực hiện, góp phần làm cho môi trường khu dân cư xanh - sạch - đẹp và tốt cho sức khỏe người dân”.
Qua 1 năm triển khai, việc phân loại rác thải tại nguồn, các rác thải tái chế được qua đường phế liệu bán gây quỹ cho Tổ NDTQ số 11 đã tích góp trên 1 triệu đồng. Dự kiến, kinh phí này tổ sẽ sử dụng cho hoạt động thăm bệnh, tiệc liên hoan của tổ... Số tiền thu lại được tuy không lớn nhưng giá trị thực của mô hình là ý thức của từng hộ dân được nâng lên trong việc phân loại, xử lý rác tại gia đình bài bản hơn. 18/18 hộ dân trong Tổ NDTQ số 11 tích cực phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, rác thải tái chế trước khi mang đến điểm thu gom. Trong con hẻm nhỏ của Tổ NDTQ số 11, có bố trí thùng rác chung để thu gom rác tái chế để bán ve chai. Hai bên con hẻm là các dãy nhà san sát nhau rất sạch sẽ, thông thoáng. Đây là kết quả của sự đồng thuận và trách nhiệm của hộ dân trong việc bảo vệ môi trường.
Nhân rộng mô hình
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, TP. Bến Tre Nguyễn Trung Hiếu đánh giá: Qua quá trình triển khai, có trên 90% hộ dân đã thay đổi thói quen, bắt đầu nói không với sản phẩm nhựa, túi nylon. Mô hình đã giúp người dân có ý thức phân loại và hạn chế rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy. Hiện nay, tại địa bàn Khu phố 2 tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình ra các tổ NDTQ trong khu phố nhằm góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và đô thị văn minh.
Bên cạnh các mô hình tại khu dân cư của Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, Đoàn Phường 5 còn triển khai mô hình đổi pin đã qua sử dụng lấy quà tại các trường học trên địa bàn TP. Bến Tre. Mô hình đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, giáo viên Trường THCS Mỹ Hóa với hình thức thu gom 5 cục pin đổi 1 cây bút, 20 cục pin đổi 1 quyển sách. Trong năm đầu tiên thực hiện (năm 2021), đoàn Phường 5 đã thu gom gần 190kg pin để giao cho đội ngũ của chương trình Việt Nam tái chế (TP. Hồ Chí Minh) - chương trình thu hồi và xử lý, tái chế rác thải điện tử đã qua sử dụng một cách an toàn, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường.
Bí thư Đoàn Phường 5 Hoàng Phúc Đạt cho biết: Qua nghiên cứu, pin đã qua sử dụng là chất độc hại đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó nhu cầu sử dụng pin hầu như nhà nào cũng có mà việc thu gom loại rác thải độc hại này chưa được phổ biến tại tỉnh. Qua kết nối với chương trình Việt Nam tái chế, Đoàn phường mạnh dạn triển khai mô hình. Bước đầu mô hình có hiệu quả, Đoàn phường đã tiếp tục phối hợp Trường THCS Vĩnh Phúc và THCS Phường 6 triển khai thu gom pin đổi quà. Mô hình tạo phong trào trong các bạn học sinh và qua đó góp phần định hướng, tạo thói quen bảo vệ môi trường ngay từ bé.
Hiện nay, thông qua nguồn xã hội hóa để mua tập, sách, bút, định kỳ 1 quý, tổ chức Đoàn phường sẽ đến các trường thu gom pin và đổi quà. Cùng với đó, Đoàn Phường 5 còn phối hợp với chi đoàn các ngân hàng như: Ngân hàng Nhà nước, BIDV thực hiện mô hình “Tặng giỏ tre đi chợ” cho người dân trên địa bàn phường để góp phần hạn chế sử dụng túi nylon.
“Qua các mô hình, ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là khâu phân loại rác tại hộ dân và công tác thu gom, vận chuyển của đơn vị thu gom rác chưa đồng bộ. Để mô hình phát huy và duy trì hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ trong quá trình thu gom theo hướng rác đã qua phân loại để tạo động lực cho người dân thấy được việc phân loại rác thải tại nguồn có ích. Cấp có thẩm quyền cần xem xét ban hành những chính sách ưu đãi việc sử dụng sản phẩm thay thế nhằm góp phần thay đổi hành vi của người dân trong việc hạn chế rác thải nhựa, túi nylon”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, TP. Bến Tre Nguyễn Trung Hiếu cho biết.
“Thời gian qua, thông qua cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đô thị văn minh, Mặt trận các cấp đã triển khai Luật Bảo vệ môi trường và các nội dung có liên quan. Đặc biệt, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới để góp phần nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường như: xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt gia đình, nước thải, giữ gìn cảnh quan môi trường, nước sạch, hợp vệ sinh, xóa cầu tiêu ao cá... Qua cuộc vận động, tại cơ sở có chuyển biến tốt và có nhiều mô hình hiệu quả. Mô hình của Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5 là mô hình nhỏ nhưng rất hay, tạo ý thức cho người dân trong việc phân loại rác tại nguồn”.
(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng)
|
Bài, ảnh: Phan Hân